Tổng thống Mỹ Joe Biden ký 2 sắc lệnh cứu trợ kinh tế

Chủ Nhật, 24/01/2021, 10:41
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/1 (giờ địa phương) tuyên bố cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này đang ngày càng trầm trọng. Chính phủ cần hành động "quyết đoán và mạnh dạn" ngay từ bây giờ để giúp đỡ những người Mỹ đang khó khăn.


Cùng với tuyên bố trên, Tổng thống Joe Biden đã ký 2 sắc lệnh hành pháp, gồm một lệnh mở rộng hỗ trợ thực phẩm cho những người Mỹ có thu nhập thấp và thúc đẩy tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên liên bang. Đây là nỗ lực của vị tân Tổng thống nhằm cứu trợ nền kinh tế Xứ cờ hoa đang lao đao vì đại dịch COVID-19.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu ăn đang gia tăng ở Mỹ", theo đó, ông lưu ý rằng 1/7 số hộ gia đình ở Mỹ cho biết họ không có đủ thực phẩm. Theo sắc lệnh hành pháp, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ xem xét tiến hành ngay lập tức các biện pháp để tạo thuận lợi hơn cho các gia đình khó khăn nhất được hỗ trợ dinh dưỡng và thực phẩm nhiều hơn. Ông cũng cho rằng chính phủ cần hành động "quyết đoán và táo bạo" để trợ giúp những người dân Mỹ đang bị mất việc làm và phải chật vật với cuộc sống trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Joe Biden cũng nhấn mạnh Quốc hội cần có thêm chương trình trợ giúp sâu rộng hơn, theo đó ông nêu rõ gói trợ giúp trị giá 1.900 tỷ USD mà ông đề xuất tuần trước đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà kinh tế của cả hai đảng và các nhà phân tích Phố Wall.

Dù đã có 2 gói cứu trợ lớn của chính phủ, nền kinh tế Mỹ vẫn đang gồng mình với các thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bộ Lao động Mỹ ghi nhận hơn 1,3 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua. Tính đến tuần đầu tháng 1/2021 đã có gần 16 triệu người mất việc do dịch bệnh, khiến nhiều hộ gia đình đang chật vật thanh toán các hóa đơn.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Bộ Thương mại cho biết 13,7% người cao tuổi sống trong cảnh thường xuyên hoặc đôi khi bị đói. Hàng triệu trẻ em phải dựa vào các bữa ăn do nhà trường cung cấp, nhưng hiện các trường cũng phải đóng cửa hoặc thay đổi cách thức giảng dạy trong thời dịch.

Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ thực phẩm cho các hộ gia đình ở mức tương đương hỗ trợ của nhà trường. Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden sẽ tăng mức hỗ trợ thêm 15%, theo đó Nhà Trắng cho biết các gia đình có 3 con trở lên sẽ được hỗ trợ thêm 50 USD/tháng. Sắc lệnh cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp đưa ra hướng dẫn cho phép các bang mở rộng hỗ trợ thực phẩm cho thêm 12 triệu người và đánh giá lại cơ sở xác định các mức hỗ trợ. Tháng trước, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận hỗ trợ cho mỗi người dân 600 USD. Sắc lệnh của Tổng thống Biden yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng giải ngân số tiền này.

Trong sắc lệnh thứ hai, ông Joe Biden khôi phục quyền đàm phán tập thể và bảo vệ các viên chức liên bang, theo đó ông hủy 3 sắc lệnh liên quan do Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump ban hành. Ông cũng chỉ thị các cơ quan chức năng trình đề xuất tăng mức lương tối thiểu cho viên chức liên bang lên 15 USD/giờ. Lương tối thiểu của viên chức liên bang giữ ở mức 7,25 USD/giờ từ năm 2009. Đề xuất tăng lương tối thiểu cần được quốc hội phê chuẩn.

Trước đó, hôm 21/1, tân Tổng thống Mỹ đã công bố chiến lược quốc gia nhằm giải quyết đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sẽ phải mất nhiều tháng để có thể thay đổi diễn biến dịch bệnh. Chiến lược quốc gia được Tổng thống Joe Biden công bố bao gồm thúc đẩy công tác tiêm phòng nhằm hạn chế sự lây lan của virus, tăng cường sử dụng khẩu trang và xét nghiệm cũng như các biện pháp y tế công cộng khác. Tổng thống Joe Biden cũng đã ký 10 sắc lệnh hành pháp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế tại Mỹ hiện nay.

Theo lệnh của tân Tổng thống Mỹ, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp (FEMA) sẽ bắt đầu thực hiện mục tiêu thành lập 100 trung tâm tiêm phòng cộng đồng trong vòng 1 tháng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ phát động chương trình mở rộng tiếp cận vaccine tại các hiệu thuốc địa phương, trong khi đó, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh sẽ tuyển dụng thêm các nhân viên y tế cho công tác tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng số người tử vong do COVID-19 có thể lên tới 500 nghìn vào tháng sau và sẽ phải mất nhiều tháng để toàn bộ người dân Mỹ được tiêm phòng chống lại virus này.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu có được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền nhằm sớm kiểm soát được dịch bệnh trong bối cảnh Mỹ đã ghi nhận hơn 24 triệu ca nhiễm và hơn 400 nghìn ca tử vong. Trong một diễn biến liên quan, Tiến sỹ Anthony Fauci, Cố vấn y tế trưởng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Mỹ sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới và ủng hộ cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Hòa cùng nỗ lực này, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 22/1, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ với một cuộc họp giao ban tình báo và các cuộc họp với Thứ trưởng Quốc phòng David Norquist và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng Mark Milley. Ông Austin cũng có kế hoạch chủ trì một cuộc họp về việc ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với sự tham dự của các quan chức hàng đầu nêu trên cũng như các thư ký và chỉ huy trưởng, chỉ huy tác chiến, nhân viên, cùng điều phối viên chống COVID-19 của Lầu Năm Góc Max Rose.

Trước đó, ông Lloyd Austin đã nhấn mạnh quân đội phải giúp chính phủ liên bang "tiến xa hơn và nhanh hơn để loại bỏ những tác động tàn phá của virus SARS-CoV-2 và làm mọi thứ có thể để tiêm chủng, chăm sóc cho lực lượng lao động và giảm áp lực do dịch COVID-19 gây ra".

Trong phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 19-1, ông Lloyd Austin cho rằng mối đe dọa chính mà nước Mỹ đang đối mặt là đại dịch COVID-19. Ông khẳng định dưới sự lãnh đạo của ông, Lầu Năm Góc sẽ luôn được chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với mọi thách thức. Ngoài ra, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết ông có kế hoạch gọi điện cho Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trao đổi về các vấn đề liên quan Trung Quốc và các nước ở khu vực Trung Đông.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.