Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không "đồng ý" với những bình luận của Tổng thống Mỹ

Thứ Bảy, 20/03/2021, 07:13
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/3 nhận định rằng những bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden về người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “không thể chấp nhận được” và “không phù hợp với một tổng thống”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khen ông Putin có màn đáp trả thông minh và đẳng cấp. Ảnh minh họa Getty Images. 

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình phát sóng hôm 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một số nhận định chỉ trích người đồng cấp Nga, liên quan đến vụ nghi án đầu độc thủ lĩnh đối lập tại Nga cũng như cáo buộc can thiệp bầu cử.

Bình luận về những nhận định này, ông Erdogan cho rằng “những lời ông Biden nói về ông Putin không phù hợp trên cương vị một nguyên thủ”, đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng không quên ngợi khen ông Putin đã có một “phản ứng thông minh và đẳng cấp”.

Điều đáng nói là mặc dù Ankara và Washington đều là đồng minh trong khối NATO, ông Erdogan và ông Biden vẫn chưa có cuộc nói chuyện trực tiếp nào kể từ khi Tổng thống Mỹ nhậm chức hồi tháng 1.

Ngoài ra, Ankara cũng từng để ý đến một phát ngôn khác của ông Biden trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối năm 2019 khi ông gọi Tổng thống Erdogan là “kẻ chuyên quyền”.

Bất chấp sự khác biệt về cuộc chiến Syria, ông Erdogan vẫn gọi ông Putin là “bạn và đối tác chiến lược”.

Điện Kremlin lên tiếng

Ông Putin cũng “không vừa” khi đáp trả thẳng thắn lại ông Biden và cũng không quên chúc tổng thống 78 tuổi nhiều sức khỏe. Ông Putin cũng đề xuất tổ chức điện đàm với người đồng cấp Mỹ để thảo luận về nhiều vấn đề như đại dịch COVID-19, xung đột tại các khu vực…

Điện Kremlin ngày 19/3 cho biết, lời đề nghị của ông Putin là nhằm ngăn chặn quan hệ song phương hoàn toàn tan vỡ. Ông Putin cũng nói rõ rằng “việc điện đàm nhằm duy trì quan hệ Nga-Mỹ thay vì lời qua tiếng lại,” và ông muốn công khai điều này để giúp xoa dịu căng thẳng về “những nhận xét rất tồi tệ” của ông Biden, phát ngôn viên của ông Dmitry Peskov cho biết.

Ông Peskov cho biết Điện Kremlin chưa nhận được phản hồi từ Nhà Trắng về lời đề nghị, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ không lặp lại đề xuất này.

Khi được phóng viên hỏi về lời đề nghị, ông Biden ngày 19/3 cho biết “chắc chắn hai bên sẽ điện đàm vào thời điểm nào đó”.

Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục lún sâu khủng hoảng

Trong một động thái leo thang ngay sau cuộc phỏng vấn gây tranh cãi, Nga tuyên bố triệu hồi đại sứ tại Washington về nước để tham vấn khẩn cấp về mối quan hệ Nga-Mỹ.

Đại sứ quán Nga tại Washington trong một tuyên bố cho biết, Đại sứ Anatoly Antonov sẽ về nước vào ngày 20/3.

Mối quan hệ của Moscow với phương Tây, đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh đã thêm một lần xuống mức thấp đáng quan ngại vào năm 2014, tiếp tục xấu đi sau vụ nghi án đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexey Navalny, người đang bị Moscow giam giữ.

Navalny từ Đức trở về Nga hồi tháng 1, sau khi hồi phục từ một vụ nghi án đầu độc mà phương Tây cho là bằng một loại độc thần kinh. Người này bị giam giữ do vi phạm lệnh ân xá. Phương Tây và bản thân Navalny cho rằng quyết định này có động cơ chính trị.

Các cường quốc phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã yêu cầu trả tự do cho Navalny. Nga đã bác bỏ và coi những lời kêu gọi này là sự can thiệp không thể chấp nhận được vào các vấn đề nội bộ.

Hôm 17/3, Bộ Thương mại Mỹ đã siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga. Mỹ cũng được cho là đang sẵn sàng các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020.

Quan hệ Mỹ-Thổ cũng không yên ổn

Bình luận của ông Erdogan phần nào phản ánh một giai đoạn căng thẳng mới đã âm thầm diễn ra trong mối quan hệ của Ankara với Washington kể từ khi ông Biden lên nắm Nhà Trắng.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ cũng từng xuống cấp nghiêm trọng từ khi Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 từ Moscow, mà Washington cho rằng có thể đe dọa hệ thống phòng thủ của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn cải thiện mối quan hệ dưới thời chính quyền Biden, nhưng đã kêu gọi Washington chấm dứt hỗ trợ các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) do người Kurd lãnh đạo ở Syria và cáo buộc đồng minh NATO này đứng về phía các chiến binh mà Ankara cho rằng đã hành quyết 13 người Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq trong tháng này.

Ankara đã rất tức giận trước sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các chiến binh người Kurd ở Syria, những người mà Ankara cho là khủng bố.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.