Tổng Thư ký Liên hợp quốc nỗ lực giảm căng thẳng giữa Israel-Palestine

Thứ Sáu, 23/10/2015, 08:41
Trong hành trình đến khu vực đang gia tăng xung đột giữa Israel-Palestine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống, Thủ tướng Israel và cả người đứng đầu chính quyền Palestine.

Vừa công bố cơ chế bảo vệ hòa bình quốc tế theo Palestine, ông Ban Ki-moon vừa đưa ra những cảnh báo mới và hệ lụy của việc gia tăng bạo lực giữa các nước này.

Theo thông tin mà Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycoft tiết lộ, trong cuộc họp trực tuyến qua video với các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có những đánh giá khá ảm đảm về tình trạng gia tăng bạo lực hiện nay giữa Israel và Palestine. Những nhận xét của người đứng đầu tổ chức đa phương quyền lực nhất thế giới này đã khiến nhiều nhà ngoại giao giật mình, lo ngại. 

Những nhìn nhận này của ông Ban Ki-moon được đưa ra sau khi Tổng Thư ký LHQ có cuộc tiếp xúc với  Tổng thống Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Cũng theo Đại sứ Matthew Rycoft thì một điểm đặc biệt trong cuộc họp là lần đầu tiên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon công bố một bản tóm tắt về các cơ chế bảo vệ quốc tế trong quá khứ đối với những vùng lãnh thổ có tranh chấp. 

Bản báo cáo dài 42 trang, được đưa ra theo yêu cầu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas với lý do tình trạng bạo lực kéo dài nhiều tuần chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

 Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu với báo giới sau cuộc gặp hôm 20/10. Ảnh: Reuters.

Mặc dù chỉ đơn thuần miêu tả về cấu trúc cũng như cơ sở pháp lý của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, nhưng bản báo cáo đang được xem như một cách gợi ý để Hội đồng Bảo an LHQ đề nghị LHQ lựa chọn về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực này. 

Trên thực tế, trong một lá thư đính kèm bản báo cáo, ông Ban Ki-moon cũng thông báo với 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ rằng “tài liệu này không đề xuất một cơ chế đặc biệt nào... cho vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.  Nhưng trước đó, Palestine đã liên tục đề nghị LHQ triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại các khu vực thuộc thánh địa Jerusalem. Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp ủng hộ yêu cầu này của Palestine nhưng Mỹ và Israel cùng một số nước đồng minh lại phản đối kịch liệt.

Giới quan sát nhận định, căng thẳng giữa Israel và Palestine sẽ còn diễn biến phức tạp trong nhiều ngày tới, nhất là khi chính quyền Tel Aviv triển khai thêm 300 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đến Jerusalem làm nhiệm vụ tuần tra các trạm giao thông công cộng, xe buýt và các cửa ngõ giao thông chính ở thành phố này cũng như gia tăng các vụ bắt giữ công dân Palestine. Cái đáng lo sợ nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nhân cơ hội này để phát động một chiến dịch truyền thông chưa từng có tiền lệ nhằm xúi giục người Palestine tăng cường tấn công binh lính và dân thường Israel, lợi dụng làn sóng bạo lực hiện nay để kích động tâm lý chống Israel. 

Gần đây nhất là vào ngày 19/10, IS đã hối thúc người Palestine tấn công bằng mọi phương thức sẵn có, kể cả dao, phương tiện giao thông, chất độc và chất nổ. Tình hình này khiến nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ lo ngại.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu hôm 21/10 tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nhấn mạnh Israel có trách nhiệm bảo vệ công dân với những biện pháp phù hợp, song nhận định chính sách xây nhà định cư của Israel là phản tác dụng đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. 

Theo nhà lãnh đạo Đức, lối thoát khả dĩ nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Israel và Palestine là một giải pháp hai nhà nước. Và Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU), luôn bác bỏ mọi hành động đơn phương, song sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho các cuộc đàm phán giữa hai bên nhằm tiến tới mục tiêu này. 

Ngày 22/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ tới Đức và có cuộc làm việc với Thủ tướng Israel Netanyahu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay giữa Israel và Palestine.

Phan Hiển
.
.
.