Tình đồng minh Mỹ - Saudi Arabia sứt mẻ vì vụ nhà báo mất tích

Thứ Bảy, 13/10/2018, 08:47
Vụ mất tích bí ẩn của một nhà báo người Saudi Arabia đang không chỉ khiến cho mối quan hệ giữa Washington và đồng minh thân cận Vùng Vịnh căng thẳng mà còn khiến cho nội bộ nước Mỹ có sự chia rẽ đáng kể khi nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đồng loạt ký đơn đề nghị chính quyền Tổng thống Trump tiến hành một cuộc điều tra đối với vụ mất tích và mở đường cho những lệnh trừng phạt trong tương lai đối với Saudi Arabia.

Nhà báo Jamal Khashoggi được cho là đã đến lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn thiện một số thủ tục kết hôn với một người phụ nữ bản địa. 

Theo Reuters, nhà báo này đang tìm cách để trở thành công dân Mỹ và được biết đến là nhà bình luận chính trị có tiếng thường xuyên chỉ trích các chính sách của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. 

Cô Hatice Cengiz, vợ chưa cưới của Khashoggi cho biết, ngày 2-10, sau khi anh này vào lãnh sự quán, cô đã chờ bên ngoài suốt ba giờ và được thông báo rằng Khashoggi đã rời đi nhưng cô khẳng định “không có bằng chứng nào cho thấy anh đã ra ngoài”. 

Ngoài ra, cô cũng yêu cầu Mỹ giúp đỡ làm rõ vụ việc. Đáp lại yêu cầu, Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania cho biết đang sắp xếp gặp cô Cengiz tại Nhà Trắng. Có thể thấy, vụ mất tích của Khashoggi giờ không chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà đã khiến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia có nguy cơ sứt mẻ, đồng thời còn kéo theo một nước nữa là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Washington Post đưa tin hôm 11-10, một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết họ có video và đoạn ghi âm chứng tỏ rằng Khashoggi đã bị sát hại và thủ tiêu trong lãnh sự quán của Saudi Arabia. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recap Tayyip Erdogan ngày 11-10 nhấn mạnh, nước này không thể mãi giữ im lặng về vụ mất tích đồng thời cho hay, nước này đang tiến hành điều tra mọi khía cạnh của vụ việc. 

Một số người mang chân dung của Khashoggi biểu tình trước Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Reuters.

Phía Saudi Arabia đã lên tiếng phủ nhận và cho rằng những cáo buộc Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán là vô căn cứ, đồng thời cho biết sẵn sàng thành lập tổ điều tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ để làm sáng tỏ vụ việc.

Trong khi mọi việc vẫn đang dừng lại ở những cáo buộc, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã đưa cảnh báo rằng Saudi Arabia sẽ đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” nếu nghi ngờ của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhà báo Jamal Khashoggi đã bị sát hại sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia, là đúng sự thật. 

Nhận định về vụ việc này, trong một tuyên bố được đưa ra tại Văn phòng Tổng thống Mỹ, ông Trump bày tỏ lo ngại và gọi đây là một vụ việc “khủng khiếp” dù nó xảy đến với ai, đồng thời cho biết thêm ông đã nêu vấn đề về Khashoggi với phía Saudi Arabia “ở mức cao nhất” và nhiều hơn một lần trong những ngày gần đây. 

“Chúng tôi đã yêu cầu mọi thứ. Chúng tôi muốn biết được những gì đang diễn ra. Đây thực sự là một tình huống cực kỳ nghiêm trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn biết được ngọn ngành của sự việc”, ông Trump cho biết. 

Sau khi ông Trump lên tiếng, Nhà Trắng cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của ông Trump, đã nói chuyện với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman về vấn đề này hôm 9-10.

Vụ mất tích của Khashoggi có thể trở thành “kỳ đà cản mũi” chính quyền ông Trump trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ đồng ý tiếp tục các hợp đồng vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD với Saudi Arabia. Không chỉ vậy, nó còn khiến Tổng thống Trump có thể rơi vào tình thế đối đầu với hàng loạt thành viên Quốc hội.

Nhiều nhà lập pháp, kể cả một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa của ông Trump, đã đặt ra câu hỏi về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Saudi Arabia trong cuộc nội chiến tại Yemen, cuộc chiến đã dẫn đến một thảm họa nhân đạo; đồng thời ký vào một bức thư hôm 10-10 yêu cầu chính quyền Washington tiến hành một cuộc điều tra đối với vụ mất tích và mở rộng đường cho những lệnh trừng phạt trong tương lai đối với Saudi Arabia. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker ngày 11-10 cũng cho biết Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt “ở mức cao nhất” đối với Saudi Arabia nếu nước này bị phát hiện đứng đằng sau cái chết của Jamal Khashoggi. 

Trước sức ép của nhiều thành viên trong Quốc hội, Tổng thống Mỹ vẫn cho rằng không cần thiết phải ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia hay chặn nguồn đầu tư của Saudi vào Mỹ bởi nếu làm như vậy, Saudi Arabia có thể sẽ đem nguồn vốn của họ đến Nga và Trung Quốc. 

Thêm vào đó, hàng loạt hãng thông tấn lớn trên thế giới đang bày tỏ sự phản đối với Saudi Arabia thông qua việc rút lui khỏi một sự kiện đầu tư quy mô lớn được tổ chức tại thủ đô Riyadh của nước này. 

Hãng tin Reuters ngày 12-10 đưa tin, Tổng biên tập tờ The Economist Zanny Minton Beddoes xác nhận không tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư tương lai (FII), cùng với đó là hàng loạt chuyên gia của CNBC, New York Times, Financial Times và mới nhất là CEO của Uber, Dara Khosrowshahi cũng tuyên bố rằng không thể tham dự hội nghị này. 

FII là hội nghị xúc tiến đầu tư hàng đầu của Saudi Arabia, thu hút sự tham dự của những nhân vật máu mặt nhất của làng kinh doanh thế giới, bao gồm cả những lãnh đạo của Phố Wall và các nhà điều hành của các công ty tài chính, công nghệ và đa phương tiện hàng đầu thế giới.

Ngày càng có nhiều diễn biến mới liên quan vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải hình ảnh và video về một nhóm 15 người được cho là nghi phạm bắt cóc và giết hại nhà báo này. 

Một đoàn của Saudi Arabia ngày 12-10 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp với giới chức nước này điều tra vụ việc. 

Giới quan sát nhận định, những diễn biến gần đây của vụ mất tích đang đẩy Saudi Arabia vào tình thế khó khăn và chịu nhiều áp lực không chỉ từ sự quay lưng cộng đồng báo chí thế giới mà còn tiềm tàng những sứt mẻ trong mối thân tình đồng minh bấy lâu với Mỹ, thậm chí có thể phải hứng chịu những lệnh cấm vận “không phải dạng vừa” nếu những cáo buộc trở thành sự thật. 

Duy Tiến
.
.
.