Thủ đô Washington DC thành “pháo đài quân sự” trước lễ nhậm chức đặc biệt

Thứ Ba, 19/01/2021, 07:51
Khoảng 25.000 binh sỹ Vệ binh Quốc gia và hàng chục nghìn cảnh sát đã được điều động phủ khắp thủ đô Washington DC, Mỹ ngay trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris. An ninh của lễ nhậm chức đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ đang được thắt chặt hơn bao giờ hết.


Ngày 20/1, ông Joe Biden sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi với các diễn biến kiện tụng vô tiền khoáng hậu. Trong khi phần lớn các hoạt động sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của COVID-19, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn diễn ra ở cửa phía Tây của tòa nhà Quốc hội Mỹ nằm trên đồi Capitol theo kế hoạch, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield khẳng định.

“Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ gửi đến thế giới một hình ảnh trực quan vô cùng quan trọng về khả năng phục hồi của nền dân chủ Mỹ. Vì vậy, kế hoạch của chúng tôi và kỳ vọng của chúng tôi là Tổng thống đắc cử Biden sẽ đặt tay lên Kinh thánh cùng với gia đình của ông ấy ở bên ngoài phía tây của Điện Capitol vào ngày 20”, bà Bedingfield tuyên bố trên kênh ABC.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia tăng cường bảo đảm an ninh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Andrew Cabellero Reynolds.

Điện Capitol, nơi Tổng thống đắc cử Mỹ sắp đưa ra bài diễn văn nhậm chức, hai tuần trước đã chứng kiến vụ bạo loạn chưa từng có, nơi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào tìm cách lật ngược kết quả bầu cử. Một số phần tử quá khích còn dùng cờ Mỹ làm vũ khí ở chính nơi các đời tổng thống trước đây đã tiến hành chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Điều này làm dấy lên nghi ngại, các cuộc biểu tình, thậm chí là bạo loạn, có thể tiếp tục diễn ra vào thời điểm tân Tổng thống Mỹ nhậm chức.

Trên thực tế, đã có một số cuộc biểu tình xảy ra rải rác trong cuối tuần qua tại một số khu vực của Mỹ như Oregon, Michigan hay Ohio. Song, theo The Guardian, các cuộc biểu tình, được thực hiện bởi phong trào Boogaloo chống chính phủ Mỹ, đều diễn ra theo hình thức nhỏ lẻ và có phần im ắng, tự động giải tán sau thời gian ngắn. Trước đó, có thông tin cho rằng phong trào này đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình tại tất cả 50 bang của Mỹ, nhưng không thành công. 

Nhằm tránh kịch bản tương tự như vụ bạo loạn ngày 6/1 xảy ra một lần nữa, các thống đốc tại nhiều bang của Mỹ đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia để bảo vệ các tòa nhà nghị viện sau cảnh báo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) về các cuộc biểu tình có vũ trang có thể xảy ra ở tất cả các bang trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Ngày 18/1, tại thủ đô Washington DC, Tướng Daniel Hokanson, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ, cho biết, Cơ quan Mật vụ Mỹ và FBI đang sàng lọc các thành viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo họ không gây ra nguy cơ về an ninh trong lễ nhậm chức. Một ngày trước lễ nhậm chức, các con phố gần Điện Capitol tạm thời đóng cửa, các tiểu đoàn lính Vệ binh Quốc gia ngụy trang chốt chặn tại các vị trí trên khắp trung tâm thành phố, biến thủ đô nước Mỹ trở thành một pháo đài quân sự bất đắc dĩ, Politico nhận định.

The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho biết thêm, các cuộc diễn tập an ninh đã được thực hiện vào cuối tuần qua để đảm bảo công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ nhậm chức trong mọi tình huống. Song, ông McCarthy cũng nhấn mạnh, cho đến nay, vẫn chưa thấy bằng chứng về bất kỳ mối đe dọa nào tương tự như vụ bạo loạn ở đồi Capitol hồi đầu tháng.

Mang chủ đề “Nước Mỹ thống nhất”, lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có thể sẽ phải phá vỡ truyền thống lễ nhậm chức tại Mỹ, khi ông không thể quay về phía người tiền nhiệm ngồi ngay phía sau để cảm ơn vì đã thực hiện chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ.

Tổng thống Donald Trump, người tiền nhiệm của ông, đã tuyên bố sẽ không dự lễ nhậm chức này, sau quá trình chuyển giao quyền lực không hề dễ dàng giữa hai bên. Chính điều này cũng sẽ khiến lễ nhậm chức của ông Joe Biden trở nên đặc biệt. Cũng do ảnh hưởng của COVID-19, số lượng khách mời dự buổi lễ sẽ được giới hạn, với khoảng 1.000 giấy mời được gửi đi, thay vì con số 20.000 như những năm trước đây.

Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống cho biết sẽ không tổ chức cuộc tập trung đông người như truyền thống và thúc giục người dân theo dõi sự kiện từ nhà. "Không một khuôn mẫu nào mà Biden có thể làm theo với vị thế hiện tại", Jeff Shesol, nhà sử học từng viết diễn văn cho cựu tổng thống Bill Clinton, đánh giá. Một số kế hoạch của lễ nhậm chức cũng đã được thay đổi, bao gồm việc Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ không di chuyển trên chuyến tàu Amtrak tới thủ đô Washington DC để dự lễ nhậm chức vào tuần tới do lo ngại xảy ra những rủi ro an ninh sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol.

Điều mà truyền thông quan tâm giờ đây chính là nội dung bài phát biểu của tân Tổng thống Mỹ trong lễ nhậm chức, hiện vẫn đang được giữ kín. Các chuyên gia dự đoán, chủ đề của lễ nhậm chức sẽ được cụ thể hóa trong bài diễn văn, trong đó bao gồm vấn đề COVID-19 cũng như tỉ lệ thất nghiệp của người dân Mỹ. Đặc biệt, sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ cũng được cho là sẽ xuất hiện trong bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

An Nhiên
.
.
.