Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ NATO, đạt thoả thuận mua S-400 của Nga
- Tàu Hải quân Nga bị đâm chìm trên biển Thổ Nhĩ Kỳ
- Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng ngàn cảnh sát ủng hộ Giáo sĩ Gulen
- Mỹ đang tìm cách vô hiệu hóa S-400 của Nga1
- Thổ Nhĩ Kỳ không tích hợp S-400 vào hệ thống tên lửa NATO
Sputnik hôm 29-4 dẫn lời Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý về mặt nguyên tắc trong việc mua các hệ thống S-400. Việc thương lượng về sản xuất chúng và giá cả đang được tiến hành”.
Trong khi đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay thương vụ S-400 có thể được bàn trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Sochi của Nga vào ngày 3-5 tới đây, theo RT.
Một hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Hồi tháng 3, trợ lí Tổng thống Nga về lĩnh vực hợp tác kĩ thuật – quân sự, ông Vladimir Kozhin khẳng định Moscow không coi việc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO là một vấn đề lớn trong thỏa thuận S-400, thậm chí, Nga còn có thể cho Thổ Nhĩ Kỳ vay tiền để mua hệ thống tên lửa phòng không tân tiến bậc nhất thế giới này.
Được biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ có ý định mua các hệ thống phòng không của Nga đã vấp phải phản đối từ phía NATO. Tổ chức quân sự lớn nhất thế giới cho rằng một hệ thống phòng không của một quốc gia không thuộc NATO sẽ không thể tích hợp với khí tài quân sự của khối.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ từng cho biết, nếu mua được S-400 của Nga, quân đội nước này không có dự định tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Theo Ankara, nước này chuyển sang mua S-400 vì các thành viên NATO không thể đưa ra giá cả hợp lý cho một hệ thống phòng không.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán với Trung Quốc để mua hệ thống phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của HQ-9, nhưng phải rút lại hợp đồng trị giá 3,4 tỉ USD hồi năm 2015 do Bắc Kinh không sẵn sàng chuyển giao công nghệ, theo RT.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được phát triển bởi nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không hiện đại như phi cơ chiến đấu thế hệ 5, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách 400km. Được đưa vào hoạt động từ năm 2007, mỗi hệ thống S-400 có giá khoảng 400 triệu USD.