Thổ Nhĩ Kỳ: Bùng phát bạo lực tại khu vực của người Kurd

Thứ Bảy, 29/10/2016, 07:43
15 tháng sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị phá vỡ, bạo lực liên tục leo thang ở miền Đông Nam nước này.


Đỉnh điểm nhất là vụ đụng độ dẫn đến 5 thành viên thuộc lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và 5 tay súng người Kurd thiệt mạng hôm 27-10.

Trước đó hai ngày, nữ Thị trưởng Diyarbakir Gultan Kisanak cùng người đồng nhiệm Firat Anli cũng bị bắt với cáo buộc liên quan đến PKK.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường truy quét các tay súng PKK ở miền Đông Nam nước này. Ảnh: Yenisafak

Nguồn tin từ tờ Hurriyetdailynews cho hay, bà Gultan Kisanak đã bị bắt giữ ngay khi vừa xuống sân bay trở về từ Ankara, còn ông Firat Anli thì bị bắt tại nhà riêng. Một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, bà Gultan Kisanak và ông Firat Anli bị bắt giữ do nghi ngờ có liên quan đến việc ủng hộ tư tưởng và hỗ trợ vật chất cho PKK- tổ chức đã bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.

Ngay sau đó, thủ lĩnh đảng đối lập Kemal Kilicdaroglu đã lên án vụ bắt giữ này và đề nghị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng trả tự do cho hai chính trị gia nói trên.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), ông Kemal Kilicdaroglu nói: “Nếu họ ủng hộ khủng bố thì tại sao không bắt giữ trước đó đi mà phải chờ đến tận ngày hôm nay”. Ông Kemal Kilicdaroglu còn cho rằng đây chỉ là chiêu bài chính trị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, đảng Dân chủ nhân dân (HDP) thân lực lượng người Kurd đã tổ chức biểu tình phản đối việc bắt giữ này và yêu cầu chính quyền Ankara thả ngay lập tức 2 thị trưởng trên. Đại diện đảng HDP là ông Idris Baluken nói: “Chính phủ sẽ phải đối mặt với những cuộc biểu tình trên đường phố. Sự tức giận đang lan tỏa khắp nơi”.

Kết quả là hai ngày sau, các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và người Kurd bắt đầu gia tăng. Hôm 27-10, hai binh sĩ đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ gần thị trấn Hani, ngoại ô Diyarbakir; 1 binh sĩ khác và 5 tay súng người Kurd thiệt mạng trong vụ đấu súng xảy ra gần huyện Cukurca, giáp biên giới với Iraq.

Giới quan sát nhận định, đây chỉ là một phần trong chiến dịch lớn nhằm truy quét phiến quân người Kurd của chính phủ Thổ  Nhĩ Kỳ. Chiến dịch này được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thực hiện từ tháng 9 với mục đích là tập trung quyền lực, thanh lọc những người ủng hộ PKK đang làm việc trong các cơ quan công quyền. Lý do mà ông Erdogan đưa ra là vì PKK cũng có liên quan đến tổ chức FETO của

Giáo sĩ Fethullah Gulen và cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7.

Trong thời gian qua, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành bắt giữ hàng loạt nhà chức trách địa phương vì cáo buộc tuyên truyền khủng bố và hỗ trợ vật chất cho PKK, cách chức 28 thị trưởng bị nghi ngờ ủng hộ các tay súng người Kurd, đồng thời bổ nhiệm các thị trưởng mới ở 24 thành phố, trong đó hầu hết nằm ở khu vực Đông Nam.

Các thành phố này hiện nằm dưới sự điều hành của đảng HDP. Chưa hết, tại Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ, 11.500 giáo viên cũng đã bị đình chỉ công tác do bị cáo buộc liên quan đến PKK.

Người Kurd sinh sống tại khu vực miền núi trải dài dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Armenia với số dân khoảng từ 20-30 triệu người. Đây được coi là nhóm sắc tộc lớn thứ 4 ở khu vực Trung Đông nhưng họ chưa từng có một nhà nước độc lập của riêng mình.

Sau sự sụp đổ của đế chế Ottoman và Qajar cũng như sự hình thành các quốc gia hiện đại ở Trung Đông, một số nước như Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ càng tẩy chay người Kurd.

Tuy vậy, cộng đồng dân tộc này vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền tự trị của mình với đại diện tiêu biểu là PKK. Năm 1984, tức 6 năm sau khi được thành lập, PKK đã phát động đấu tranh vũ trang và đến nay có hơn 40.000 người Kurd bị giết và hàng trăm ngàn người khác phải sơ tán.

Vào giữa những năm 1990, PKK đã rút yêu sách đòi độc lập với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn đòi quyền lớn hơn về văn hóa, chính trị. Năm 2012, sau khi thỏa thuận ngừng bắn được tiến hành, hai bên đã có các cuộc đàm phán hòa bình song vẫn xảy ra đấu súng. Thời gian gần đây, dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang là mối đe dọa lớn song Ankara vẫn nhất quyết không chịu hợp tác với PKK. Sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan càng sử dụng nhiều biện pháp mạnh đối phó với PKK.

Thậm chí ông Erdogan còn khẳng định, việc cách chức, bắt giữ các quan chức và nhiều công chức bị cáo buộc có liên hệ với PKK là một phần thiết yếu trong cuộc chiến chống khủng bố ở nước này.

Phan Hiển
.
.
.