Thách thức lớn toàn châu Âu từ “Đốm lửa nhỏ” trên đại lộ CHAMPS-ELYSÉE

Thứ Năm, 13/12/2018, 06:40
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10-12 (giờ Paris) đã xuất hiện trên truyền hình và đích thân lên tiếng trấn an dư luận và người biểu tình. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng, mùa đông ở châu Âu sẽ còn “nóng” hơn khi nhiều đám cháy khác đang nhen nhóm từ đốm lửa trên trên đại lộ Champs-Elysée, Paris.


Trước sức ép từ làn sóng biểu tình và bạo lực mỗi cuối tuần kéo dài hơn một tháng nay, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng không lối thoát đối với nước Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã xuất hiện với bài diễn văn rất được mong đợi vào tối 10-12, công bố nhiều biện pháp có thể coi là đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người biểu tình “Áo gile vàng”.

Trong bài diễn văn của mình, ông Macron bày tỏ cảm thông với sự khó khăn của người dân, hậu quả từ những chính sách chưa phù hợp chồng chất lại từ nhiều thập kỷ trước, đồng thời tuyên bố sẽ ban bố “tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội” với những biện pháp mạnh và ngay lập tức để giải quyết vấn đề này.

Trong đó phải kể đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng bắt đầu từ năm 2019; tiền làm thêm giờ, tiền tưởng cuối năm cho người lao động sẽ không phải chịu thêm thuế hoặc phí khác; các khoản tăng thuế “đóng góp chung” chi trả cho trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp gia đình nghèo trích từ lương hưu đối với người về hưu thu nhập dưới 2.000 euro/tháng sẽ được hủy từ đầu năm 2019; tăng cường các biện pháp chống trốn thuế và kiểm soát tốt hơn chi tiêu công; hay nhanh chóng đưa ra các giải pháp phù hợp cho vấn đề “cán cân thuế” và “ứng phó biên đổi khí hậu”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.  Ảnh Reuters

Cùng với việc chính phủ quyết định hủy bỏ tăng thuế môi trường đánh vào nhiên liệu được đưa ra trước đó, những biện pháp mới được cho là một “liệu pháp” nhằm trấn an người biểu tình vì thỏa mãn một phần những đòi hỏi cấp bách của họ.

Bài phát biểu của Tổng thống Pháp được coi là có sự thay đổi rõ rệt về nội dung lẫn phong cách và giọng điệu. Trong khi giới chính trị gia của Pháp, đặc biệt trong phe đa số, phần lớn đánh giá cao diễn văn của ông chủ Điện Elysee, cho rằng với những biện pháp kịp thời và đủ mạnh, Tổng thống Macron “đang đi đúng hướng” khi nhận trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng xã hội này, thì nội bộ phe “Áo gile vàng”, đối tượng chính của bài diễn văn này, lại có quan điểm không đồng nhất, một số ủng hộ và cho rằng chính phủ đã hiểu được nguyện vọng của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, nhưng số khác lại cho rằng những gì được Tổng thống đưa ra chưa thuyết phục và không phải ai cũng được hưởng lợi từ những biện pháp đó.

Chưa thể nhận định chắc chắn rằng cơn bão biểu tình và bạo lực tại Pháp sẽ hoàn toàn lắng xuống, bởi ngay cả sau khi Tổng thống Pháp đã nhượng bộ, nhiều người “Áo gile vàng” vẫn bám trụ trên các con phố của Paris, một số khác lại khẳng định sẽ tiếp tục biểu tình để chờ đợi các chỉ dấu rõ ràng hơn từ chính phủ trong những ngày tới, trước khi có quyết định dỡ bỏ các điểm tập trung và quay về nhà hay không. 

Hơn nữa, các cuộc tuần hành này mang tính tự phát, không có một cơ cấu tổ chức cụ thể, khác với các cuộc tổng đình công do các công đoàn, tổ chức hay đảng chính trị tại Pháp tổ chức.

Tuy vậy, chưa hết đau đầu vì phong trào “Áo gile vàng", chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục vật lộn với các cuộc biểu tình của học sinh trung học chống lại cải cách giáo dục. Học sinh trung học nhiều nơi trên nước Pháp cho rằng, một số kế hoạch cải cách giáo dục của ông Macron liên quan đến thi tú tài hoặc vào đại học, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các trường giàu và nghèo, và tận dụng sự trỗi dậy của phong trào “Áo gile vàng” để trút giận lên nhà lãnh đạo này.

Theo France 24, có đến 300 trường trung học khắp nước bị phong tỏa hằng ngày vào tuần qua giữa lúc xảy ra các vụ phá hoại, đụng độ bạo lực giữa học sinh và cảnh sát. Bộ Giáo dục Pháp hôm 10-12 cho biết số trường bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình đã giảm còn 120, trong đó 1/3 bị phong tỏa hoàn toàn. Dù vậy, đây dường như chỉ là một khoảng lặng trước cơn bão khi các hiệp hội sinh viên kêu gọi “ngày thứ ba đen tối” tại các trường học khắp nước ngày 11-12 (giờ địa phương).

Giới phân tích cho rằng, cuộc biểu tình ban đầu ở Pháp là “đốm lửa” nhỏ và đã bùng lên thành ngọn lửa lớn trên phạm vi toàn châu Âu. Phong trào biểu tình “Áo gile vàng” tại Bỉ xuất hiện ở vùng nói tiếng Pháp Wallonie, lan tới thủ đô Brussels để phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt và nhiên liệu tăng cao. Khoảng 70.000 người cũng đã tập trung tại Turin, miền Bắc Italy, phản đối chính phủ thực thi dự án xây dựng tuyến đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps, được cho là gây lãng phí ngân sách công.

Còn ở Hà Lan, những người “Áo gile vàng” xuống đường đòi giải quyết vấn đề chi phi sinh hoạt đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, người nhập cư và thậm chí là yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Có thể thấy một bộ phận người dân châu Âu đang mệt mỏi, chán nản khi kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng tài chính, tăng trưởng chậm chạp và yếu ớt không đủ tạo thêm việc làm, an ninh không được đảm bảo, đói nghèo gia tăng, và đặc biệt là sự bất công xã hội, khiến bất bình đẳng ngày một bành trướng.

Cùng với đó chênh lệch giàu-nghèo đang là mối đe dọa tàn phá nhiều giá trị xã hội ở châu Âu. Không chỉ có vậy, châu Âu trong những năm gần đây đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc, từ khủng hoảng di cư, Brexit… và đỉnh điểm là làn sóng dân túy cực đoan lan rộng.

Sự thống nhất của EU trong tương lai đang có nguy cơ bị lung lay, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc ly hôn của Anh với EU và những quốc gia đầu tàu EU như Pháp hay Đức đều gặp những vấn đề riêng. 

Trong tình hình này, các vụ biểu tình bạo loạn vừa qua thực sự là một phép thử đối với vị Tổng thống trẻ tuổi của Pháp, đang nỗ lực trở thành người “đi đầu” trong các nỗ lực “phục hưng” EU với những đề xuất tham vọng nhằm nâng tầm ảnh hưởng và vai trò của khối này trên toàn cầu.

Duy Tiến (T.H)
.
.
.