Tập đoàn Huawei chính thức khởi kiện Chính phủ Mỹ

Thứ Sáu, 08/03/2019, 08:52
Ngày 7-3, Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas, liên quan một đạo luật trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này.

Quyết định của Huawei được đánh giá là sự thách thức tính hợp hiến của một số điều khoản thuộc đạo luật trên.

Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Huawei Quách Bình nhấn mạnh: “Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei”, buộc hãng sử dụng hành động pháp lý trên như một “giải pháp thích hợp cuối cùng”. 

Ngoài ra, Huawei còn cáo buộc Chính phủ Mỹ “xâm nhập các máy chủ”, “đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn” của tập đoàn này.

Cụ thể, trong nội dung đơn kiện, Huawei tập trung vào điều khoản 889 trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hồi tháng 8-2018, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ ký hợp đồng mua sắm các trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE Corp - một công ty công nghệ khác cũng của Trung Quốc - sản xuất, cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị của các công ty bao gồm Huawei, ZTE Corp, công ty thiết bị giám sát video Hàng Châu Hikvision và Dahua, cũng như công ty thiết bị truyền phát vô tuyến Hytera.

Huawei cho rằng lệnh cấm trên không chỉ trái pháp luật mà còn cản trở tập đoàn này tham gia cạnh tranh công bằng, dẫn tới gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ. Tòa án liên bang tại Plano, bang Texas sẽ đưa ra quyết định liệu có thụ lý vụ kiện này hay không.

Tập đoàn Huawei đã chính thức khởi kiện Chính phủ Mỹ.

Theo quy định, một tòa án có quyền “vô hiệu hóa” một phần nội dung điều khoản mà không gây ảnh hưởng tới toàn bộ đạo luật. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, Huawei có thể kỳ vọng tòa án trên sẽ bãi bỏ điều khoản 889 trong NDAA, từ đó mở đường để công ty này tiến hành các cuộc thương thảo với Chính phủ Mỹ. Nhà Trắng đã chuyển vụ kiện tới bộ Tư pháp Mỹ và cơ quan này hiện chưa có bình luận nào về vụ việc.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính của Huawei đang đứng trước khả năng bị dẫn độ về Mỹ - tuần qua vừa khởi kiện chính phủ Canada vì đã vi phạm quyền theo hiến pháp của bà.

Luật sư Eric Crusius đến từ Công ty luật Holland & Knight bình luận rằng: “Nếu Huawei muốn duy trì sự hiện diện tại phương Tây, tập đoàn này phải đảm bảo với các khách hàng rằng thiết bị Huawei không đáng bị cấm. Phương thức hữu hiệu nhất và vẹn toàn nhất Huawei có thể làm là thông qua một vụ kiện để có được nền tảng pháp lý cơ bản, chống lại lệnh cấm”.

Luật sư Crusius cho rằng, phần thắng nghiêng về Huawei “không chắc chắn nhưng không có nghĩa là không thể”.

Những vụ kiện như này có thể kéo dài hàng năm. Liên quan tới NDAA, luật sư Crusius nhận định, trong quá trình khởi kiện, đội ngũ pháp lý của Huawei có thể phản biện rằng “Chính phủ Mỹ không có bằng chứng về các tội danh gián điệp và đơn giản lệnh cấm này (ý nói tới NDAA) được đưa ra chỉ phục vụ mục đích đóng vai trò đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia”.

Trong khi đó, theo một luật sư khác giấu tên, vụ khởi kiện Chính phủ Mỹ của Huawei có thể sẽ được theo dõi sát sao như một sự kiện mang tính bước ngoặt và kết quả có thể ảnh hưởng đến cách các quốc gia khác nhìn nhận thiết bị Huawei như thế nào, đặc biệt là nếu Mỹ có thể đưa ra bằng chứng những thiết bị này tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia thực sự. Luật sư cho biết có nhiều khả năng thông tin được công bố công khai trong quá trình xét xử sẽ gây hại cho danh tiếng của Huawei.

“Chắc chắn một điều là, khi Huawei đệ đơn kiện, họ đã cho thấy mức độ tự tin và sẵn sàng đánh đổi để theo đuổi vụ kiện… có vẻ Huawei sẵn sàng chấp nhận rủi ro”. Nếu Huawei thắng kiện, điều đó có thể dẫn đến việc đảo ngược lệnh cấm của Mỹ đối với thiết bị Huawei và có thể là phần thưởng cho những thiệt hại đáng kể vừa qua, theo Paul Haswell – luật sư tại công ty luật Pinsent Masons – cho biết. Tuy nhiên, nếu như thua kiện, Mỹ sẽ gần như là một thị trường “bất khả xâm phạm” đối với Huawei.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 5-3, Huawei đã khánh thành Trung tâm Minh bạch An ninh mạng tại Brussels (Bỉ). Trung tâm An ninh mạng châu Âu Huawei sẽ cho phép các khách hàng rà soát mã nguồn điều khiển thiết bị mạng của mình. Việc Huawei mở trung tâm trên tại Brussels, nơi được coi là “trái tim” của châu Âu, nhằm trấn an các nhà hoạch định chính sách của EU về vấn đề an ninh mạng của hãng này.

Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Ken Hu, mọi tổ chức đánh giá chất lượng, hay các nhà chức trách và khách hàng đều được chào đón đến trung tâm. Hiện một số nước châu Âu như Đức và Anh vẫn đang cân nhắc về mức độ rủi ro khi sử dụng thiết bị Huawei.

Tháng trước, tình báo Anh kết luận rằng họ có thể giảm thiểu mức độ rủi ro khi sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G sắp tới, trong khi Bộ Nội vụ Đức trong một tuyên bố với kênh CNBC nói rằng, họ không có kế hoạch trực tiếp bỏ qua bất kỳ nhà cung cấp 5G nào.

Các vụ kiện liên quan đến công ty nước ngoài khởi kiện Chính phủ Mỹ rất hiếm gặp. Trước đây có một vụ kiện tương tự. Một công ty thiết kế phần mềm chống virus Kaspersky Lab có trụ sở tại Moscow cũng đã bị Chính phủ Mỹ cấm sử dụng phần mềm trong hệ thống mạng nhà nước do lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Kaspersky Lab đã thua và không thể thay đổi lệnh cấm.

Khổng Hà
.
.
.