Cuộc chiến chống COVID-19 tại Italia qua câu chuyện của nhân viên y tế
- Tiếp nối Italia, Đan Mạch phong tỏa toàn quốc vì COVID-19
- Italia đối diện cuộc chiến "chưa từng có" với COVID-19
Từ câu chuyện của một nữ y tá
Với hơn 15.000 ca nhiễm viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) tính đến hết ngày 12/3, Italia đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc - nơi dịch bệnh bùng phát.
Một lệnh phong tỏa toàn quốc, gây ảnh hưởng tới 60 triệu công dân nước này, đã được Thủ tướng Conte đưa ra, với một loạt các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Nhưng, bất chấp những nỗ lực, tính đến 13/3, đã có hơn 1.000 người tử vong vì dịch bệnh này tại Italia.
Khuôn mặt Alessia đầy những vết xước sau hàng tiếng đồng hồ mặc đồ bảo hộ để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: Instagram |
Cùng với các bác sĩ và chuyên gia y tế, các y tá cũng được đặt trong tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19 tại Italia. Với y tá trẻ Alessia Bonari, đó là trải nghiệm sợ hãi khi phải đến viện hàng ngày. Cô đã chia sẻ câu chuyện đó trên trang mạng cá nhân của mình.
"Tôi rất sợ bởi khẩu trang có thể không bám chắc vào mặt hoặc tôi có thể vô tình chạm vào mặt mình bằng đôi găng tay bẩn, hoặc có thể kính bảo hộ không che hết phần mắt tôi, hoặc chỉ đơn giản là có thứ gì đó rơi xuống", cô chia sẻ trên Instagram.
"Tôi mệt mỏi về thể xác vì các thiết bị bảo hộ thực sự gây đau đớn, chiếc áo mặc tại bệnh viện của tôi đẫm mồ hôi, và một khi mặc trang phục bảo hộ lên, tôi sẽ không thể làm gì khác, thậm chí không thể uống hay đi vệ sinh trong 6 tiếng đồng hồ", Alessia kể lại.
"Tôi cũng vô cùng mệt mỏi về tinh thần, giống như tất cả những đồng nghiệp của tôi những tuần qua, nhưng điều đó không khiến chúng tôi từ bỏ công việc của mình", nữ y tá trẻ giãi bày.
Hình ảnh mang tính biểu tưởng của y tế Italia trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: Instagram |
Những chia sẻ của Alessia đến ngay sau thời điểm bức hình một nữ y tá gục ngã trên bàn làm việc với chiếc khẩu trang vẫn đang đeo trên mặt được đăng tải, trở thành biểu tượng cho sự nỗ lực tới kiệt sức của lực lượng y tế Italia trong cuộc chiến chống COVID-19.
Nói về bức ảnh gây sốt, Francesca Mangiatordi, người chụp bức ảnh này, kể lại: "Chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ suốt 10 tiếng đồng hồ. Tôi nhìn cô ấy gục ngã, muốn trao cô ấy một cái ôm, nhưng thay vào đó, tôi quyết định ghi lại khoảnh khắc này".
Đến sự thật trong hệ thống y tế Italia
New York Times trích dẫn lời phàn nàn của một thị trưởng thị trấn thuộc miền Bắc Italia rằng các bác sĩ tại đây đã buộc phải quyết định không điều trị COVID-19 cho một số bệnh nhân tuổi quá cao. Ở một thị trấn khác, một số bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi đã bị trả về nhà. COVID-19 đang hiện diện đầy đau thương tại Italia.
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, COVID-19 đã làm đảo lộn nhịp sống của Italia, đưa cả nước vào một cuộc chiến chưa từng có, biến các bệnh viện tại miền Bắc Italia rơi vào tình trạng quá tải, dấy lên lo ngại về khả năng đối mặt của Italia nếu dịch bệnh vẫn lây lan tốc độ nhanh.
Các bác sĩ Italia trong khu vực điều trị cách ly. Ảnh: NY Times |
"Đây là một cuộc chiến", bác sĩ Massimo Puoti, người đứng đầu cơ sở y tế Niguarda của Milan nhận định. Ông cho biết mục tiêu hiện nay của ngành y tế là ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế lây lan và tìm hiểu rõ cơ chế của virus để điều trị. "Chúng tôi cần thời gian", ông nói.
Theo New York Times, các bác sĩ tuyến đầu đột ngột phải chuyển cơ chế làm việc sang "thời chiến", với việc xử lý một loạt các ca bệnh liên tiếp, cân nhắc mức độ nguy hiểm và hủy bỏ phẫu thuật khi cần thiết. Mặt nạ phòng độc trở thành tài nguyên khan hiếm, và những khu không gian giải tỏa bỗng chốc được để xuất trở thành khu chăm sóc đặc biệt.
"Chiến tranh đã bùng nổ theo đúng nghĩa đen và cuộc chiến không ngừng diễn ra cả ngày lẫn đêm", bác sĩ Daniele Macchini chia sẻ, gọi tình huống này là một "thảm họa dịch tễ học" khiến giới y tế Italia choáng ngợp.
Thậm chí, theo bác sĩ Fabiano Di Marco, trưởng khoa phổi tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, các bác sĩ đã phải vẽ những vạch ranh giới trên mặt đất theo đúng nghĩa đen để phân biệt các khu vực trong viện, bởi có một số nơi mà bất cứ thứ gì chạm vào cũng có nguy cơ truyền nhiễm.
"Dịch bệnh đã đặt hệ thống bệnh viện dưới một áp lực chưa từng có kể từ Thế chiến thứ 2", Massimo Galli, giám đốc bệnh viện truyền nhiễm Đại học Sacco tại Milan chia sẻ. "Nếu như thủy triều tiếp tục dâng cao, những nỗ lực xây dựng đập để giữ nó lại sẽ trở nên ngày càng khó khăn", ông nói, ám chỉ cuộc chiến chống COVID-19 tại Italia.