Sự ra đi của ông Bolton mở ra cơ hội cho đàm phán Mỹ-Iran

Thứ Tư, 11/09/2019, 15:31
Nhiều chuyên gia cho rằng việc ông John Bolton rời khỏi Nhà Trắng đã như dẹp đi một trở ngại đối với khả năng đàm phán hạt nhân của Mỹ-Iran, tuy nhiên, triển vọng về một cuộc đối thoại như vậy có được kết quả vẫn chưa cao.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là người có quan điểm cứng rắn về Iran. Ảnh Reuters. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-9 đã sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một quan chức có quan điểm “diều hâu” với Iran, một người với tư cách công dân cá nhân từng ủng hộ tiến hành hoạt động quân sự để phá hủy chương trình hạt nhân tên lửa của Iran và cũng là người phản đối chính “sếp” của mình về các chính sách liên quan đến Afghanistan đến Nga khi còn đương chức.

Ông Bolton là Cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 của ông Trump, từng lập luận về việc tạo sức ép để xuất khẩu dầu của Iran về con số 0 và phản đối lại việc ông Trump gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani để đàm phán.

“Bolton từng là “Tiến sĩ nói Không” với bất kỳ cuộc đàm phán nào với Iran”, Cliff Kupchan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hiện làm việc tại một cơ quan tư vấn rủi ro chính trị cho biết trong một bài phân tích.

Trong khi lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei có thể sẽ không cho phép một cuộc gặp mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng này, Kupchan cho biết, “áp lực ngày càng tăng lên về cơ hội cho một cuộc gặp. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ chứng kiến nhiều hơn sự đi xuống về giá dầu”.

Giá dầu tại Mỹ đã giảm 1% sau khi thông tin ông Bolton rời Nhà Trắng được đưa ra, nhiều nhà đầu tư đã cá cược rằng điều này làm tăng tỷ lệ Mỹ nới lỏng cấm vận với Iran và giảm nhẹ khả năng tấn công quân sự.

Với sự hỗ trợ của ông Bolton, năm ngoái, ông Trump đã từ bỏ thỏa thuận đa phương năm 2015 đạt được dưới thời người tiền nhiệm Dân chủ của ông, Barack Obama, theo đó Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc giảm trừng phạt kinh tế.

Ông Trump đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời cũng cố gắng khiến xuất khẩu dầu của Iran về con số 0, tức là chặn đường nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.

Tổng thống Trump lập luận rằng thỏa thuận đạt được năm 2015 không đủ sức ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân và cũng chỉ trích rằng thỏa thuận không thể giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo và việc Iran hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố trong khu vực.

Iran cho biết chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình, như sản xuất điện, và không phải để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong một cuộc họp ngắn mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo “hoàn toàn ủng hộ chiến dịch gây áp lực tối đa”.

Các quan chức trong chính quyền Trump tin rằng áp lực về sau này sẽ có thể buộc Iran đáp ứng các yêu sách của Mỹ về việc kiểm tra các địa điểm hạt nhân.

Khi được hỏi về việc liệu có thể có cuộc gặp nào giữa hai Tổng thống Mỹ-Iran hay không, Ngoại trưởng Pompeo đã đáp lại “chắc chắn rồi”. “Tổng thống đã nói rõ rằng ông đã chuẩn bị để gặp (Tổng thống Iran) mà không cần điều kiện tiên quyết”.

Một cựu quan chức cao cấp của chính quyền Trump đã mô tả hai ông Pompeo và Mnuchin là những người mềm mỏng hơn đối với Iran so với ông Bolton và nói rằng điều đó có nghĩa là có một cơ hội cho một cuộc gặp với ông Rouhani nếu phía Iran bỏ yêu cầu dỡ trừng phạt trước.


Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.