Số người nhiễm COVID-19 toàn cầu chạm ngưỡng 7 triệu
- Ông Trump nói Mỹ "hầu như" đã vượt qua đại dịch COVID-19
- Vaccine COVID-19 và cuộc chiến giành ảnh hưởng
- Ấn Độ thành “điểm nóng” dịch COVID-19 toàn cầu
Thống kê trên Worldometer tính đến 8h30 sáng nay (7/6) cho thấy dịch COVID-19 đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm lên đến 6.973.243, trong đó 402.047 ca đã tử vong, với Mỹ là vùng dịch lớn nhất, nơi báo cáo gần 2 triệu người mắc và 112.000 người chết.
Đeo khẩu trang ra đường trở thành thói quen của hàng triệu người vì đại dịch. Ảnh: ITN |
Mỹ duy trì số ca nhiễm mới vào khoảng 25.000 ca mỗi ngày trong nhiều tuần qua, song giới chức Mỹ tin rằng tình hình đã hạ nhiệt. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở những mức độ khác nhau nhằm cứu vãn nền kinh tế, vốn chịu tác động nặng nề.
Các chuyên gia gần đây phát đi cảnh báo đại dịch sẽ trở nên nghiêm trọng hơn tại Mỹ và số ca nhiễm sẽ tăng vọt trở lại khi các cuộc biểu tình bùng nổ sau vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết.
Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil ghi nhận ca nhiễm hàng ngày tăng kỷ lục với 27.581 ca trong ngày 6/6, nâng tổng số người nhiễm lên 673.58, trong đó 36.000 người đã chết.
Nước này báo cáo từ 27-30.000 ca nhiễm mới hàng ngày cùng gần 1.000 ca thiệt mạng. Các chuyên gia y tế đều cảnh báo tình hình thực tế ở Brazil tệ hơn nhiều báo cáo chính thức. Brazil hiện chưa có chiến lược chống dịch thống nhất do Tổng thống nước này Jair Bolsonaro coi COVID-19 chỉ như một loại "cúm nhỏ".
Nga, vùng dịch thứ ba thế giới, đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực khi số người nhiễm mới COVID-19 theo ngày đã giảm xuống chỉ còn hơn 8.500 ca. Tổng số người bệnh ở Nga là 458.689, trong đó 5.725 người thiệt mạng.
Ở châu Âu, các "điểm nóng" dịch bệnh như Italia, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Đức tự tin khẳng định đã vượt đỉnh dịch. Các nước châu Âu đều đã hoặc sắp nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tổng số người nhiễm COVID-19 ở châu lục, không tính Nga, vào khoảng 1,6 triệu người, trong đó gần 179.000 người tử vong.
Dịch có dấu hiệu hạ nhiệt ở châu Âu, nhưng diễn biến khó lường tại một số nước châu Á và Mỹ Latinh. Peru, vùng dịch lớn thứ hai tại Nam Mỹ, tâm dịch mới của thế giới, báo cáo đến 191.758 ca nhiễm và 5.300 ca tử vong.
Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh, và dự định kéo dài đến hết tháng 6, song các biện pháp phong toả bị nhiều người dân phớt lờ.
Một số quốc gia khác ở khu vực Chile, Mexico, Argentina cũng đang chứng kiến ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục, đặc biệt ở các khu ổ chuột.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 246.622 ca nhiễm và 6.950 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ hôm 6/6 đã vượt 10.000, chỉ sau Mỹ và Brazil. Dù tình hình ngày càng xấu đi, Chính quyền Ấn Độ vẫn quyết định mở cửa nền kinh tế do thu nhập phần lớn dân chúng phụ thuộc vào nguồn thu hàng ngày.
Giới chức Ấn Độ tin rằng các biện pháp phong toả, tuy không "làm phẳng đường cong" dịch bệnh, nhưng giúp hạ tốc độ lây lan trong cộng đồng và giúp nước này có thời gian ứng phó với đại dịch.
Ở Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 37.527 ca nhiễm nhưng chỉ báo cáo 25 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 30.514 ca nhiễm và 1.801 người chết. Philippines đứng thứ ba với 21.340 ca nhiễm, 994 ca thiệt mạng.