Ấn Độ thành “điểm nóng” dịch COVID-19 toàn cầu

Thứ Sáu, 05/06/2020, 08:12
Sau chuỗi ngày chứng kiến số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh đột biến, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc và Iran, trở thành “ổ dịch” lớn nhất châu Á. Tình hình dịch bệnh phức tạp đang gây ra những áp lực lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân.


AP dẫn thông báo ngày 4-6 của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận tới 9.304 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24h gần nhất, mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người nhiễm toàn quốc lên 216.919. Tại Ấn Độ, 6.088 người đã thiệt mạng vì dịch, bao gồm 260 trường hợp vừa được báo cáo.

Số liệu được thống kê bởi Worldometers cho thấy quốc gia Nam Á hiện đứng thứ 12 toàn cầu về số người chết do COVID-19, đứng thứ 7 về tổng số ca bệnh nhưng đã leo lên thứ ba về số ca nhiễm mới theo ngày, tức vượt Nga và chỉ đứng sau Mỹ, Brazil về chỉ số này.

Hàng ngàn người dân đứng san sát chờ tàu ở bang Kerala, Ấn Độ khi các hệ thống giao thông công cộng hoạt động lại. Ảnh: PTI

Đáng chú ý, các chuyên gia cảnh báo số người nhiễm và thiệt mạng vì dịch tại Ấn Độ sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới khi mà đỉnh dịch sẽ chỉ xuất hiện tại Ấn Độ vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. “Chúng ta vẫn còn rất xa đỉnh (dịch COVID-19)”, bác sĩ Nivedita Gupta, quan chức Hội đồng Nghiên cứu Y tế của Chính phủ Ấn Độ, lên tiếng xác nhận.

Ấn Độ được xem là một trong những quốc gia áp dụng biện pháp ứng phó mạnh mẽ với dịch COVID-19 từ sớm khi nước này ban bố các quy định hạn chế nhập cảnh và sàng lọc y tế tại sân bay từ đầu tháng 2, vài ngày sau khi ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên. Cuối tháng 3, khi tổng số bệnh nhân COVID-19 chưa chạm mốc 1.000, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch lây lan.

Tuy nhiên, từ tháng 4, tỉ lệ ca nhiễm mới mỗi ngày tại Ấn Độ bất ngờ gia tăng nhanh chóng dù gần 1,3 tỷ dân không được phép ra ngoài. Việc có đến hàng triệu người dân phải sống chen chúc trong các khu đô thị, khu ổ chuột đông đúc được cho là nguyên nhân khiến giãn cách xã hội trở nên ít khả thi. Dẫu vậy, giới chức Ấn Độ lập luận rằng, nếu không có các biện pháp phong tỏa, số ca nhiễm COVID-19 trên thực tế có thể đã lên đến hàng triệu người.

Các biện pháp giãn cách ít nhất đã làm chậm quỹ đạo lây lan virus, giúp hệ thống y tế của nước này có thêm thời gian chuẩn bị ứng phó. Trên thực tế, số người chết vì dịch tại Ấn Độ hiện ở mức 3% tổng số người nhiễm, thấp hơn đáng kể các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Italia hay Anh.

Vẫn theo số liệu của giới chức Ấn Độ, đến nay, gần một nửa số ca nhiễm COVID-19 của nước này đã được điều trị khỏi, trong khi nửa còn lại, tức gần 110.000 người đang điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà. Khoảng 8.950 người trong số đó đối mặt với tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Dù đã có chuẩn bị, song việc số ca nhiễm mới tăng chóng mặt đã gây ra áp lực khổng lồ lên hệ thống chăm sóc y tế Ấn Độ, khiến các bác sĩ phải làm việc trong tình trạng quá tải. Reuters dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết quốc gia Nam Á chỉ có 0,5 giường bệnh trên 1.000 dân, rất thấp so với thế giới.

Hàng triệu người Ấn nghèo dựa hoàn toàn vào hệ thống y tế công cộng, nhưng khối bệnh viện tư nhân lại chiếm đến 55% công suất chữa trị. Ở Mumbai, nơi báo cáo 42.000 người nhiễm COVID-19, chính quyền thành phố đã tiếm quyền kiểm soát hơn 100 bệnh viện tư để đối phó với dịch bệnh nhưng dòng người xếp hàng chờ nhập viện vẫn còn rất dài.

Guardian mới đây cho biết, tại nhiều bệnh viện trong thành phố, hai bệnh nhân được yêu cầu nằm chung một giường và sử dụng cùng một bình oxy. Bác sĩ Manish Shetty, tại bệnh viện Guru Nanak nói rằng các nhân viên y tế tuyến đấu chống COVID-19 tại đô thị 20 triệu dân này đều đã kiệt sức vì làm việc ngày đêm trong khi đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. “Có nhiều kế hoạch và cơ sở hạ tầng đang được triển khai, xây dựng (để ứng phó COVID-19) nhưng số ca nhiễm tăng quá nhanh đã xóa nhòa mọi nỗ lực”, Manish Shetty nói thêm.

Bất chấp tình hình còn rất căng thẳng, chính quyền Ấn Độ mới đây vẫn quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Các lệnh phong tỏa dù có hữu hiệu nhưng không thể duy trì lâu, bởi cuộc sống của người dân phụ thuộc phần nhiều vào thu nhập hàng ngày.

Theo India Times, lệnh phong tỏa được tính toán đã gây thiệt hại khoảng 98 tỷ USD cho Ấn Độ chỉ trong ba tuần đầu tiên, gây thâm hụt lớn cho nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này theo đó cũng đã tăng lên đến 23,5%. Tại Ấn Độ, dù tụ tập đông người vẫn bị cấm, nhưng các đường bay bắt đầu được nối lại, các khu công nghiệp được phép hoạt động, hoạt động giao thương cũng từng bước mở lại trong tháng 6 này.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nới lỏng phong tỏa đồng nghĩa số ca nhiễm sẽ tăng nhanh hơn. “Xu hướng tăng vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi chưa quan sát được dấu hiệu giảm của dịch”, ông Bhramar Mukherjee, giáo sư dịch tễ của Đại học Michigan (Mỹ), nhận định.

Nhóm của giáo sư Mukherjee ước tính đến đầu tháng 7, Ấn Độ có thể ghi nhận từ 630.000 đến 2,1 triệu người mắc COVID-19. Chuyên gia Jayaprakash Muliyil, nhà dịch tễ học hàng đầu Ấn Độ thì cho rằng “mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn” nếu các lệnh giãn cách được dỡ bỏ quá nhanh. Lấy ví dụ tại Mumbai, Muliyil nói “việc kiểm soát lây nhiễm là gần như không thể”.

Trong khi đó, với cái nhìn lạc quan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 4-6 với Thủ tướng Australia Scott Morrison rằng: “Chính phủ của chúng tôi xem cuộc khủng hoảng COVID-19 này là một cơ hội.

Ở Ấn Độ, một quá trình cải cách toàn diện đang diễn ra với hầu khắp các lĩnh vực. Sẽ sớm thôi, kết quả của những hành động đó sẽ xuất hiện”. Ông Modi trước đó gọi công cuộc chống lại đại dịch COVID-19 là một “cuộc chiến dài hơi”.

Thiện Nhân
.
.
.