Số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu tháng qua giảm gần một nửa
- Tết ở châu Á trong đại dịch COVID-19
- Chuyên gia WHO hé lộ bất ngờ về cuộc điều tra COVID-19 ở Vũ Hán
- Nhóm điều tra WHO đến phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán
Times of Israel ngày 12/2 trích dẫn báo cáo của AFP nói rằng số ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận trong một tháng vừa qua giảm tới 44,5%, mức giảm đáng kể nhất và kéo dài nhất từ khi đại dịch bùng phát cách đây hơn một năm.
Bệnh nhân COVID-19 được đưa lên xe cứu thương ở Séc. Ảnh: TOI |
Tuần trước, số ca COVID-19 mới mỗi ngày trung bình khoảng 412.700 ca, thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục 743.000 ca được ghi nhận trong tuần từ ngày 5 đến 11/1. Số ca nhiễm mới được ghi nhận hiện đang ở mức thấp nhất từ tháng 10 năm ngoái.
Trong tuần qua, tâm dịch lớn nhất thế giới là Mỹ chứng kiến số ca nhiễm mới giảm tới 24%. Tình hình tương tự được ghi nhận ở Canada. Số ca nhiễm cũng giảm 20% ở châu Phi, 18% ở châu Á, 15% ở châu Âu, 10% ở Mỹ Latinh và Caribe, 2% ở Trung Đông.
Cá biệt, ở Bồ Đào Nha, số ca nhiễm mới giảm 54% còn Israel giảm 39%. Israel bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày 7/2. Quốc gia Trung Đông này đang hưởng "quả ngọt" từ quá trình tiêm chủng vaccine và hiện là quốc gia có tỷ lệ dân chúng được tiêm lớn nhất thế giới với 44% dân chúng được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Theo số liệu cập nhật thời gian thực trên Worldometer, tính đến 9h30 sáng 13/2, toàn cầu báo cáo hơn 108,7 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó gần 2,4 triệu người thiệt mạng. Số người đã khỏi bệnh là trên 80,7 triệu ca.
Trong số những người vẫn dương tính với COVID-19, khoảng 95.500 ca gặp nguy hiểm tới tính mạng, khoảng 25,5 triệu người còn lại không gặp biến chứng nguy hiểm nào.
Theo AFP, nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva, sự sụt giảm về số ca COVID-19 đang diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tái bùng phát là hiện hữu nếu các chính phủ lặp lại "những sai lầm trong quá khứ", tức dỡ bỏ phong tỏa quá sớm.
Dù có những dấu hiệu tích cực, song các chuyên gia toàn cầu đang tỏ ra lo ngại trước ba biến chủng của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, một chủng được phát hiện lần đầu ở Anh, một ở Nam Phi và một ở Brazil, do chúng có tốc độ lây lan cao.
Các nhà khoa học ở Nam Phi hôm 7/2 nói rằng, chủng mới B.1.351 được ghi nhận lần đầu tại quốc gia này thậm chí có thể gây bệnh với cả những người từng nhiễm những chủng cũ của virus SARS-CoV-2. Mẫu vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca được xác nhận có hiệu quả kém với biến chủng B.1.351.