Quốc tế lên tiếng về chuyển giao quyền lực tại Sudan

Thứ Sáu, 12/04/2019, 15:06
Sau khi quân đội Sudan hôm 11-4 đã bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir và tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước trong vòng hai năm trước khi tiến hành tổng tuyển cử, nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi một sự chuyển giao hòa bình sang chính quyền dân sự. 

Một trong những nước ra tuyên bố về vấn đề chuyển giao quyền lực tại Sudan đầu tiên chính là Mỹ. Theo đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino thông báo Washington đã quyết định ngừng các cuộc thảo luận với Khartoum về việc bình thường hóa quan hệ. 

"Chúng tôi ủng hộ một Sudan hòa bình và dân chủ. Người dân Sudan nên xác định ai sẽ là người dẫn dắt họ trong tương lai. Việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự cần được thực hiện sớm hơn thời hại hai năm mà quân đội nước này đặt ra", ông Robert Palladino nêu rõ.

Hiện tại, hàng ngàn người dân Sudan vẫn đang biểu tình bên ngoài các cơ sở chỉ huy quân sự. Nguồn: AA. 

Đồng quan điểm với phía Mỹ, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã kêu gọi quân đội Sudan nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Tuyên bố của bà Mogherini nhấn mạnh, một quá trình chính trị gồm tất cả các đại diện và đáng tin cậy mới có thể đáp ứng những nguyện vọng của người dân Sudan. Từ đó, đất nước này mới có thể cải cách kinh tế, chính trị. "Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chuyển giao nhanh chóng cho một chính quyền chuyển tiếp dân sự", bà Mogherini tái khẳng định. 

Trướ đó, Mỹ và các nước châu Âu cũng đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn về vấn đề Sudan. Dự kiến, phiên họp kín sẽ diễn ra trong ngày 12-4.

Reuters trích dẫn một nguồn thạo tin cho biết, nhóm biểu tình chính ở Sudan hiện vẫn đang tập trung bên ngoài các cơ sở chỉ huy quân sự. Những người này phản đối các thông báo của quân đội Sudan, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình. 

Được biết, tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ tháng 12-2018. Người dân phản đối chính phủ do tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém khiến đời sống người dân khó khăn hơn.

N.U
.
.
.