Quan hệ Mỹ - Trung: Khó khăn và bất định chờ đón

Chủ Nhật, 21/03/2021, 09:51
Cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung diễn ra trong hai ngày 18 và 19/3 chủ yếu giữa giới chức ngoại giao và không bao gồm vấn đề quân sự, song sự tham gia của các quan chức ngoại giao chủ chốt của hai nước cho thấy Washington và Bắc Kinh rất coi trọng cuộc đối thoại lần này.


Theo thông lệ, thể thức đối thoại "2+2" thường có sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của các nước tham gia đối thoại. Nhưng ở trường hợp Mỹ và Trung Quốc lại khác.

Cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung diễn ra trong hai ngày 18 và 19/3 chủ yếu giữa giới chức ngoại giao và không bao gồm vấn đề quân sự, song sự tham gia của các quan chức ngoại giao chủ chốt của hai nước cho thấy Washington và Bắc Kinh rất coi trọng cuộc đối thoại lần này.

Không nằm ngoài dự đoán, cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày này đã không đạt được kết quả cụ thể nào và hai bên không đưa ra tuyên bố chung. Theo nhận định của ông David E. Sanger, quan chức Nhà Trắng và phụ trách các vấn đề về an ninh quốc gia, cuộc gặp cấp cao nói riêng và quan hệ Mỹ - Trung sẽ không đạt được bước đột phá nào khi mà Bắc Kinh kiên quyết không nhượng bộ những vấn đề mà nước này cho là lợi ích cốt lõi như Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương, cũng như chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh hạn chế lên các công ty Trung Quốc hoặc dừng các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Thay vào đó, đây chỉ là một cơ hội để hai bên đánh giá về những ưu tiên của nhau, cũng như quay trở về "thế giới thực" trong cuộc chơi của các nước lớn, khi mà sự trỗi dậy và tham vọng quyền lực chi phối vị thế hiện tại của mỗi bên.

Đối thoại Mỹ-Trung Quốc là cuộc hội đàm song phương trực tiếp quan trọng đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Ảnh: AP, Reuters

Trong khi đó, giới chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc cho rằng, quan hệ song phương Mỹ - Trung đang ở ngã ba đường và cuộc đối thoại được tổ chức vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông thường đối thoại 2+2 có sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước. Cuộc đối thoại lần này chủ yếu diễn ra giữa giới chức ngoại giao và không bao gồm vấn đề quân sự, song sự tham gia của các quan chức ngoại giao chủ chốt của hai nước cho thấy hai bên rất coi trọng cuộc đối thoại lần này. 

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn ý kiến của một số chuyên gia nhận định rằng trước thềm đối thoại, Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đưa ra một số tín hiệu cứng rắn do tác động từ một số chính trị gia có quan điểm cực đoan đối với Trung Quốc, song chính quyền Tổng thống Joe Biden chắc chắn sẽ quyết định hợp tác với Bắc Kinh trong một số vấn đề. 

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, thông qua thúc đẩy tiếp xúc, chính quyền Tổng thống Biden có thể hoàn tất một chiến lược thiết thực  hơn với Trung Quốc. Các nhà phân tích nhấn mạnh việc đưa ra chính sách thông qua đối thoại và trao đổi luôn tốt hơn việc cắt đứt trao đổi và khiến căng thẳng leo thang.

Dù thừa nhận những khác biệt trong nhiều vấn đề, song cả Mỹ và Trung Quốc đều bỏ ngỏ cơ hội có thể hợp tác trong tương lai. Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp, phái đoàn Trung Quốc xác nhận hai bên đã thống nhất thành lập nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết tăng cường liên lạc và hợp tác về lĩnh vực này. 

Mỹ và Trung Quốc cũng nhất trí trên tinh thần cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước ngày 11/2 vừa qua, giới chức hai nước sẽ duy trì đối thoại và liên lạc, thực hiện hợp tác đôi bên cùng có lợi, tránh sự hiểu lầm và đánh giá sai, cũng như xung đột và đối đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của mối quan hệ song phương. Các nhà lãnh đạo hai nước đã thảo luận về đại dịch COVID-19, những điều chỉnh chính sách đi lại và thị thực liên quan theo tình hình dịch bệnh. 

Các chủ đề khác được quan tâm còn bao gồm kinh tế và thương mại, quân sự, thực thi pháp luật, văn hóa và giao lưu nhân dân, y tế, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân Iran, Afghanistan, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và Myanmar. 

Hai bên nhất trí duy trì và tăng cường liên lạc cũng như phối hợp trong những vấn đề này. Phái đoàn Trung Quốc cũng nhấn mạnh hai bên sẽ tăng cường phối hợp và tham vấn trong các cơ chế đa phương như Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Điều này cho thấy, mặc dù Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, song cuộc gặp đã một lần nữa khẳng định rằng đối thoại nên là lựa chọn ưu tiên cho mối quan hệ luôn căng thẳng giữa hai nước. Cuộc gặp này có thể mở đường để khởi động lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về những vấn đề gây tranh cãi, nối lại các vòng đối thoại chiến lược cấp cao, cũng như để hai bên đánh giá và định hình lại phản ứng thực tế đối với những mối lo ngại và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Như vậy, dù mang tính chất "dò đường", cuộc gặp vẫn đem lại hy vọng quan hệ Mỹ - Trung có thể tan băng.

Khổng Hà
.
.
.