Chương tiếp theo của quan hệ Mỹ – Trung

Thứ Tư, 23/12/2020, 06:55
Thời điểm này cách đây một năm, Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I để tạm ngừng cuộc chiến thuế quan đang leo thang. Bắc Kinh đã thể hiện thái độ lạc quan một cách thận trọng khi cho rằng thỏa thuận tạm thời này có thể báo trước một bước ngoặt trong mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa hai nước.


Tuy nhiên, diễn biến trong năm vừa qua cho thấy đại dịch COVID-19 đã khiến Trung Quốc phải trả giá cho hy vọng đó. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau tăng lên và đối thoại gần như chấm dứt. Năm 2020, hai bên đã đóng cửa lãnh sự quán và trục xuất các nhà báo của nhau khi mối quan hệ song phương bước vào giai đoạn nguy hiểm.

Cài đặt lại mối quan hệ Mỹ - Trung

Sau một năm, Bắc Kinh lại tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ bắt đầu nhiệm kỳ với một ekip mới vào ngày 20/1/2021, có những tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách “cài đặt lại” quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời theo dõi chặt chẽ việc ông Joe Biden bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí then chốt trong nội các của mình vì những sự bổ nhiệm này báo trước những thay đổi có thể xảy ra.

Một loạt tín hiệu cho thấy ý định của Bắc Kinh về việc xây dựng lại quan hệ với Washington đã xuất hiện từ tháng 11/2020. Trong thông điệp chúc mừng ông Joe Biden ngày 25-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có thể xử lý và kiểm soát những bất đồng và tập trung vào hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương.

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Joe Biden sẽ ra sao?

Trước đó 1 ngày, trong bài bình luận đăng trên tờ The New York Times, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh viết rằng, hai nước cần tiến hành các cuộc đàm phán thẳng thắn để khôi phục lòng tin. Bà cho rằng, hai bên có thể hợp tác để đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế và tình trạng biến đổi khí hậu, và quân đội hai nước cần có các cuộc đàm phán cấp chiến lược - một tín hiệu đáng hoan nghênh vào thời điểm ngày càng có nhiều đồn đoán rằng căng thẳng giữa hai bên có thể gia tăng tới mức dẫn đến chiến tranh.

Tới đầu tháng 12/2020, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã đăng dòng tweet cho rằng những bất đồng giữa hai nước không phải là bằng chứng của sự đối đầu hay chiến tranh. Sau đó, trong một cuộc điện đàm được ghi hình mới đây với các thành viên của Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tỏ rõ mong muốn của Bắc Kinh về việc “cài đặt lại” quan hệ với Washington khi nói rằng việc khởi động lại đối thoại và xây dựng lại lòng tin giữa hai bên là những nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay.

Về phía giới chuyên gia, Giáo sư Chu Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quán hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh, nhận xét: “Mục tiêu của Trung Quốc rất rõ ràng. Điều Bắc Kinh mong muốn hiện nay là tiếp tục tăng cường và phát triển nền kinh tế và công nghệ. Việc bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với Mỹ sẽ không có lợi cho nước này”.

Ông cũng cho rằng, mặc dù ông Joe Biden có thể sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn có thể hy vọng vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Mỹ. Còn trong bài viết “Cạnh tranh mà không gây thảm họa”, hai tác giả Jake Sullivan – người mới được đề cử vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia và cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã đưa ra như những ví dụ cho thấy nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden có thể tìm cách để cùng tồn tại với Trung Quốc ngay cả khi hai nước cạnh tranh với nhau.

Và việc ông Antony Blinken được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ là một ví dụ điển hình. Nhân vật này là gương mặt quen thuộc đối với giới hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ông đã đến thăm Trung Quốc năm 2015 và 2016 khi còn là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Nhận xét của ông hồi tháng 9 rằng việc Mỹ tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc là không thực tế và phản tác dụng đã giải tỏa tâm lý cho những người Trung Quốc đang tìm kiếm sự hòa giải giữa hai nước sau những năm cầm quyền đầy sóng gió của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại ít chắc chắn hơn về lựa chọn của Tổng thống đắc cử Mỹ cho vị trí đại diện thương mại - luật sư về thương mại Katherine Tai thuộc đảng Dân chủ. Bà là người có nhiều kinh nghiệm trong giao thiệp với Trung Quốc và từng là cố vấn trưởng về thực thi thương mại với Trung Quốc thuộc Văn phòng đại diện thương mại Mỹ từ năm 2011 đến năm 2014.

Bà ủng hộ cách tiếp cận theo cả hai hướng “tấn công lẫn phòng thủ” trong chính sách thương mại. Theo quan điểm của bà, các biện pháp thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump về bản chất vẫn mang tính phòng thủ và Mỹ cần một cách tiếp cận tấn công thông qua việc tăng cường tính cạnh tranh của chính các ngành công nghiệp nước này, một vấn đề mà các chuyên gia Trung Quốc cũng đã lưu ý.

Về phía Trung Quốc, nhiều chuyên gia của nước cho rằng, các quan chức dưới thời ông Joe Biden sẽ quay trở lại cách tiếp cận hợp lý và thực dụng đối với quan hệ Trung-Mỹ. Phó Giáo sư Lý Minh Giang từ Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam tại Singapore cho rằng, xét tới thái độ lạc quan thận trọng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây, có thể phán đoán rằng Trung Quốc sẽ cử một đại diện cấp cao đến Washington ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021 để kích hoạt đối thoại.

Ông đánh giá: “Việc bổ nhiệm ông Antony Blinken và Jake Sullivan có thể đem lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng quan hệ Trung-Mỹ có thể được định hình theo hướng ổn định và hợp tác hơn”.

Và những hạn chế đối với một mối quan hệ tốt đẹp hơn

Phải nói rằng việc “cài đặt lại” hoàn toàn quan hệ giữa hai nước là điều khó có thể xảy ra. Sự nghi ngờ của Mỹ đối với Trung Quốc đã tăng đến một mức cao trong lịch sử và các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận rằng chính sách của ông Joe Biden đối với Bắc Kinh sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự đồng thuận của cả hai chính đảng đối với vấn đề Trung Quốc.

Điều này sẽ hạn chế cơ hội để chính quyền mới của Mỹ rút lại các biện pháp chính sách trong kỷ nguyên ông Donald Trump. Ông Joe Biden cũng đã khẳng định sẽ không xóa bỏ ngay lập tức các biện pháp thuế quan trong cuộc thương chiến với Trung Quốc khi chưa đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và tham khảo các đồng minh.

Còn về phía Trung Quốc, mặc dù họ nhấn mạnh rằng họ có thể hợp tác với Mỹ trong các vấn đề như ứng phó với biến đổi khí hậu và đối phó với dịch bệnh, nhưng vẫn còn những “giới hạn đỏ” trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan. Theo quan điểm của Giáo sư Chu Phong, mục tiêu của Bắc Kinh là duy trì nguyên trạng để Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc gia.

Ngoài những mục tiêu dài hạn, cũng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã và đang có những động thái mang tính chiến thuật để chống lại nỗ lực của Washington nhằm lôi kéo các nước khác tạo dựng một mặt trận đa quốc gia chống Trung Quốc. Ví dụ, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc cuối tháng 11 vừa qua để thảo luận về hợp tác chống COVID-19 và thúc đẩy thương mại. Các chuyên gia cho rằng chuyến thăm này cũng có thể đặt nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh ba bên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng liên tục điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thông tin liên lạc và hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bắc Kinh đã ký kết Hiệp định đổi tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và cung cấp vaccine phòng COVID-19 do Trung Quốc sản xuất như một phần của nỗ lực thúc đẩy ngoại giao...

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.