Quan hệ Mỹ - NATO căng thẳng xung quanh ngân sách quốc phòng

Thứ Năm, 05/07/2018, 08:56
Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục yêu cầu các đồng minh trong khối chi nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các nước đồng minh.


Động thái làm dấy lên quan ngại về khả năng Mỹ sẽ “chia tay” NATO như nhiều hiệp định quốc tế khác dưới thời của ông Donald Trump.

CNN ngày 4-7 đưa tin, mặc dù ông Donald Trump không phải Tổng thống đầu tiên của Mỹ yêu cầu các đồng minh NATO tăng cường ngân sách quân sự nhưng cách mà ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng làm thì hoàn toàn khác biệt và quyết liệt hơn so với những người tiền nhiệm. 

Tổng thống Trump đặc biệt nhạy cảm và than phiền rất nhiều về những khoản khổng lồ mà Mỹ phải chi cho “chiếc ô an ninh” cho những đồng minh của mình, từ châu Á đến châu Âu. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc ép các đồng minh NATO tăng cường chi tiêu quốc phòng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh. Ảnh minh họa: Getty Images

Những lời than phiền đầu tiên về NATO được ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình năm 2016, khi ông đã thẳng thắn phát biểu trên truyền hình rằng: “Thực sự quá tốn kém và thẳng thắn mà nói họ (các đồng minh NATO) nên bỏ túi tiền mình ra nhiều hơn… chúng ta (Mỹ) đang chi ngân sách một cách không thích hợp”. 

Trong một diễn biến được cho là làm mối quan hệ Mỹ - NATO thêm căng thẳng, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện thái độ không hài lòng của mình trong thư gửi tới các nhà lãnh đạo NATO, trong đó có Đức, Bỉ, Na Uy và Canada, yêu cầu các nước này gia tăng chi tiêu quốc phòng. 

Trước đó, Tổng thống Trump đã viết một bức thư tương tự cho Canada để bày tỏ “sự thất vọng ngày càng tăng của Mỹ” khi mà chính các đồng minh then chốt như Canada đã không tăng cường chi tiêu quốc phòng như đã cam kết. 

Theo Reuters, hiện Mỹ đang “gánh” gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và mới chỉ có 3 nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia.

Tờ New York Times ngày 3-7 cho biết, trong khi những bức thư gửi các nhà lãnh đạo khác có ngôn từ giống nhau, riêng bức thư gửi cho Thủ tướng Đức Angela Merkel lại có sự khác biệt, cho thấy vấn đề thực sự nghiêm trọng. 

“Như những gì hai bên đã thảo luận trong cuộc gặp hồi tháng 4 vừa qua, Mỹ ngày càng thất vọng khi một số đồng minh không chịu tăng cường chi tiêu quốc phòng như đã cam kết. Việc Đức tiếp tục chi tiêu ít hơn cho quốc phòng đang làm xói mòn an ninh của NATO, tạo gương xấu cho các đồng minh khác không đáp ứng những cam kết của họ về chi tiêu quốc phòng, những nước luôn coi Đức là hình mẫu noi theo”, New York Times trích dẫn bức thư của ông Trump. 

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo, nước này có thể thay đổi sự hiện diện quân sự trên toàn cầu nếu các đồng minh NATO không tăng cường chi tiêu để đảm bảo nền quốc phòng của riêng họ. 

Bức thư của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực kiểm tra ngân sách chi cho 35.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Đức, sau khi ông Trump tỏ ra quan ngại về việc Mỹ đang phải bỏ ra chi phí lớn để duy trì lực lượng này. 

Bản đánh giá, được tiến hành từ đầu năm nay, đã gây lo ngại đối với các đồng minh của Mỹ. Thêm nữa, nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin dự kiến diễn ra ngày 16-7 tới tại Helsinki, Phần Lan, cũng đang khiến cho một số nước NATO như ngồi trên đống lửa khi căng thẳng Mỹ với châu Âu vẫn chưa được giải quyết. 

Đây được coi là một thông điệp của Tổng thống Mỹ đối với các nước còn lại của NATO rằng ông không muốn bị bó buộc trong cách tiếp cận với Nga. 

Thời gian gần đây, Tổng thống Trump cũng liên tục công khai khẳng định mong muốn và tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với Nga và hạn chế xung đột liên quan đến vấn đề Ukraine. 

Trước đó, khi tham dự Hội nghị G7, ông Trump đã kêu gọi các nước thành viên trong nhóm kết nạp lại Nga sau khi nước này bị loại khỏi nhóm vào năm 2014.

Tuy vậy, đứng trước những động thái gần đây bao gồm cả những chỉ trích và sức ép ngày một gia tăng của Mỹ, những thành viên còn lại của NATO không hề “nao núng” và vẫn cương quyết bảo vệ chính sách chi tiêu quốc phòng của mình. 

Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói rằng, nước này đã dừng việc giảm chi tiêu quốc phòng, đồng thời tham gia vào nhiều hoạt động quân sự chung của NATO. 

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho biết, Na Uy ủng hộ các quyết định đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 và vẫn đang tuân theo các yêu cầu này. 

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Anh) năm 2014, các thành viên trong khối đã cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, tuy nhiên Tổng thống Trump nhiều lần phàn nàn rằng đồng minh đã không hoàn thành cam kết này. 

Thêm nữa, không phải tất cả các quan chức trong khối NATO đều lo ngại về cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ mà nhiều người còn bày tỏ hy vọng hội nghị có thể tạo ra kết quả tích cực cho cả châu Âu lẫn NATO. 

Phát biểu trong cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng châu Âu tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ phù hợp với chính sách của NATO vì NATO tin vào đối thoại với Nga. 

“Chúng ta cần đối thoại với Nga để cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Thượng đỉnh Nga-Mỹ là dấu hiệu của sức mạnh. NATO không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Brussels, Bỉ, diễn ra chưa đầy một tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến của Tổng thống Nga-Mỹ, được cho là sẽ đầy căng thẳng khi Tổng thống Trump dự kiến sẽ tiếp tục đem chủ đề gia tăng ngân sách quốc phòng để thúc ép các đồng minh. 

Trong bối cảnh những động thái cứng rắn của ông Trump trước thềm Hội nghị, lo ngại vẫn chiếm ưu thế hơn lạc quan rằng Tổng thống Trump có thể sẵn sàng rút khỏi NATO như ông từng mạnh tay rút Mỹ ra khỏi các hiệp định mang tầm quốc tế như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến các thành viên còn lại của NATO đứng trước quyết định khó khăn nên “mềm mỏng” hay “cứng rắn” trước sức ép của Mỹ.

Duy Tiến
.
.
.