Vượt qua khủng hoảng, nội các Đức đạt thỏa thuận về kiểm soát nhập cư

Thứ Tư, 04/07/2018, 08:52
Sau những bất đồng sâu sắc cùng nhiều ngày đàm phán, tối 2-7 (giờ địa phương), Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, kiêm Chủ tịch đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Thủ tướng Đức Angela Merkel của Đảng Liên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cuối cùng đã tìm ra được tiếng nói chung, đạt được thỏa thuận về việc kiểm soát nhập cư.


Kích hoạt "biện pháp quốc gia"

Tờ DW đưa tin, khác với gương mặt nghiêm nghị cùng thông báo ý định từ chức Bộ trưởng Nội vụ và Chủ tịch đảng CSU trong một cuộc họp kín với ban lãnh đạo đảng hôm 1-7, ông Horst Seehofer ngày 2-7 đã rời trụ sở CDU tại Berlin với nụ cười rạng rỡ. 

Theo đó, ông Horst Seehofer cho biết, sau nhiều tuần bất thành trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo Đức Angela Merkel thay đổi quyết định về chính sách nhập cư, CDU và CSU đã đạt được thoả thuận về biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại khu vực biên giới giữa Đức và Áo trong tương lai. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Nội vụ kiêm Chủ tịch CSU đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát nhập cư. Ảnh: Reuters

Với thỏa thuận "cứu nguy" cho nội các của Thủ tướng Angela Merkel như đã nêu, Đức sẽ thiết lập các trung tâm trung chuyển người tị nạn tại biên giới với Áo. Đây là nơi mà những người xin tị nạn đã đăng ký tại một quốc gia châu Âu khác sẽ lưu lại trong thời gian chờ đợi bị trục xuất về quốc gia nhập cảnh. 

Về tổng thể, thỏa thuận trên đáp ứng được một số yêu cầu từ cả hai phía. Phía CSU có thể ngăn chặn dòng người tị nạn thứ cấp đổ về Đức, còn phía Thủ tướng Angela Merkel sẽ đạt được mục tiêu là đưa tất cả các biện pháp này vào một điều kiện ràng buộc, đó là Đức phải ký thỏa thuận với các nước châu Âu khác. 

Đây là mục đích cốt lõi của Thủ tướng Angela Merkel bởi bà luôn lo ngại rằng bất cứ biện pháp cứng rắn đơn phương nào từ nước Đức cũng sẽ gây ra các hậu quả dây chuyền khó lường với toàn bộ Liên minh châu Âu.

Như vậy, thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với sự kết thúc hoàn toàn chính sách “bao dung” và kích hoạt "biện pháp quốc gia" với những người nhập cư tại Đức, vốn được bà Merkel đưa ra hồi 2015. 

Thủ tướng Merkel nêu rõ: "Thỏa thuận vừa đạt được không những giúp đảm bảo nguyên tắc tự do đi lại trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU) mà còn thể hiện sự tỉnh táo, cho phép Đức áp dụng các biện pháp quốc gia để hạn chế những người di cư. Đây thực sự là một kết quả tốt sau nhiều ngày bế tắc". 

Trước đó, Euronews trích dẫn một nguồn tin thân cận cho hay, trong suốt quá trình đàm phán, bản thân các thành viên CSU của ông Horst Seehofer vẫn luôn muốn liên minh với CDU của bà Merkel trong Chính phủ Đức. 

Ông Alexander Dobrindt, lãnh đạo nhóm nghị sĩ của CSU từng tái khẳng định, định mệnh chung 70 năm của CDU và CSU đã chứng minh được giá trị cốt lõi là đoàn kết sẽ làm nên tất cả, khi cả hai phải đối mặt với vô số thách thức trong nhiều năm qua. 

Thủ hiến bang Bayern Markus Soder cũng nhấn mạnh, các thành viên của CSU sẵn sàng thỏa hiệp và không có chuyện rời khỏi liên minh Chính phủ Đức hiện nay.

Góp phần ổn định chính trị châu Âu

Về phía EU, việc nội các Đức vượt qua được khủng hoảng là một tín hiệu tốt lành bởi khi CDU và CSU tiếp tục liên minh thì nước Đức sẽ vẫn giữ được một sự ổn định chính trị cần thiết. Một minh chứng cụ thể cho quan điểm nêu trên chính là cuộc khủng hoảng thành lập chính phủ tại Đức vào cuối năm 2017. 

Là nền kinh tế số 1 EU, khi các cuộc đàm phán nội các của bà Merkel chưa "ngã ngũ", thì hầu hết toàn bộ các quyết sách lớn của EU đều bị ngưng trệ. Thêm vào đó, việc bà Merkel buộc phải có thỏa thuận riêng với đảng liên minh CSU tại Đức cho thấy rằng, rõ ràng thỏa thuận về tị nạn mà EU đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối tuần trước tại Brussels là rất mong manh và thiếu rất nhiều biện pháp cụ thể thiết thực. 

Chính vì vậy, các nước thành viên EU vẫn buộc phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khác nhau để giải quyết những lo ngại của quốc gia trong vấn đề nan giải này. 

Do đó, về lâu dài, EU buộc phải có các biện pháp có tính ràng buộc pháp lý và trách nhiệm chặt chẽ hơn là các biện pháp mang tính tự nguyện như hiện nay, bởi mỗi thành viên trong khối lại mong muốn những lợi ích khác nhau.

Trong một diễn biến liên quan, trong tuyên bố được đưa ra ngày 3-7, Chính phủ Áo cảnh báo nước này có thể sẽ thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ biên giới quốc gia sau khi Đức lên kế hoạch hạn chế dòng người di cư trong khuôn khổ thỏa thuận nội bộ nhằm tránh xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Berlin. 

Tuyên bố có đoạn: "Nếu thỏa thuận đạt được tối 2-7 (giờ địa phương) của CSU và CDU nhận được sự phê chuẩn đầy đủ của Chính phủ Đức, thì Chính quyền Vienna sẽ buộc phải triển khai các biện pháp nhằm tránh những điều bất lợi cho đất nước và người dân Áo". 

Đặc biệt, Chính phủ Áo cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người xin tị nạn để bảo vệ khu vực biên giới phía Nam nước này giáp với Italy và Slovenia.

Linh Đan
.
.
.