Quân đội Myanmar siết chặt kiểm soát bất chấp yêu cầu thả bà Aung San Suu Kyi

Thứ Ba, 02/02/2021, 16:18
Đảng NLD ngày 2/2 lên tiếng yêu cầu quân đội Myanmar thả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, một ngày sau khi bà cùng nhiều quan chức cấp cao bị bắt giữ. Song, theo The Guardian, quân đội nước này dường như không hề có dấu hiệu "xuống thang".

24h kể từ sau khi nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi bị bắt giữ, theo Reuters, tung tích của bà vẫn là ẩn số. Thông tin duy nhất được cập nhật từ phía bà Suu Kyi là tuyên bố kêu gọi phản đối chế độ độc tài quân sự được đại diện Đảng NLD của bà đăng tải trước khi cuộc chính biến xảy ra.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được cho là sẽ nhóm họp trong ngày 2/2 về vấn đề này, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng mạnh mẽ đối với việc quân đội đảo chính nắm quyền, tại chính quốc gia bị quân đội cai trị trong nhiều thập kỷ.

Các binh sĩ hiện diện trên đường phố Myanmar sau cuộc đảo chính. Ảnh: TG

Động thái này xảy ra sau khi quân đội Myanmar bất ngờ đột kích rạng sáng 1/2, bắt giữ nhà lãnh đạo Suu Kyi cùng Tổng thống Myanmar và nhiều quan chức cấp cao khác của đảng NLD cầm quyền.

Quân đội đã trao lại quyền lực cho Tướng Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm, dập tắt hy vọng của Myanmar trên con đường đi đến nền dân chủ ổn định, Reuters nhận định.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Facebook chính thức, Ủy ban điều hành Đảng NLD đã yêu cầu quân đội Myanmar trả tự do cho tất cả những bị giam giữ "càng sớm càng tốt". Ủy ban cũng kêu gọi quân đội thừa nhận kết quả bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái với chiến thắng thuộc về Đảng NLD - mà quân đội cáo buộc là gian lận. 

Xe bọc thép được điều động để tuần tra trên đường phố. Ảnh: Reuters

Trước đó, Liên Hợp Quốc cũng đã lên tiếng lên án cuộc đảo chính, kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ. Lời kêu gọi nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, trong đó có Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu.

Cũng theo Reuters, quân đội và cảnh sát chống bạo động đã chiếm các vị trí ở thủ đô Naypyitaw và đô thị thương mại Yangon. Đến sáng 2/2, kết nối internet và điện thoại đã được phục hồi, nhưng nhiều hoạt động vẫn đóng cửa tại các thành phố lớn. 

Trong khi đó, các thành viên quốc hội Myanmar vẫn bị giữ tại nhà công vụ dưới sự giám sát của binh sĩ ở Naypyitaw, một ngày sau cuộc đảo chính. Quốc hội Myanmar dự kiến sẽ họp phiên đầu tiên vào tuần này, nhưng buộc phải tạm dừng. 

Một nhà lập pháp cho hay, ông và khoảng 400 thành viên quốc hội vẫn có thể nói chuyện bên trong khu nhà công vụ và liên lạc với cử tri qua điện thoại, nhưng không được phép rời đi. Ông cũng cho biết cảnh sát và binh sĩ liên tục canh gác bên ngoài tòa nhà.

An Nhiên
.
.
.