Phương Tây vô tình giúp Nga trụ vững giữa thời COVID-19 thế nào?

Thứ Hai, 23/03/2020, 09:49
Các lệnh trừng phạt kinh tế khốc liệt do phương Tây áp đặt chống Nga từ năm 2014 giúp nước này ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế gián đoạn vì dịch COVID-19.

Từ khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái, đến sáng nay (23/3) dịch COVID-19 đã lan ra 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 336.000 ca nhiễm và 14.613 trường hợp tử vong. Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch, với khoảng 180.000 ca nhiễm.

Nga được cho là sẽ trụ vững sau đại dịch COVID-19. Ảnh: New York Times

Tình hình dịch bệnh buộc các nước ban bố phong toả, đóng cửa biên giới, khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công nghiệp đình trệ, nhiều người bị thất nghiệp, nhất là đối với các nước phụ thuộc và xuất nhập khẩu.

Theo lẽ thường, khi giao thương đình trệ, lại cần chi nhiều tiền ứng phó với dịch, kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song tờ New York Times dẫn lời giới chuyên gia nhận định Nga là nước hiếm hoi trụ vững sau đại dịch nhờ khoản dữ trữ khổng lồ và khả năng tự cung ứng các mặt hàng cần thiết.

Từ khi nước này hứng các đòn trừng phạt của phương Tây năm 2014, Moscow đã tăng cường tích trữ vàng, ngoại tệ. Đến hết tháng 2/2020, lượng vàng dự trữ của Nga đạt gần 2.300 tấn và nước này vẫn mua thêm.

Nhiều năm, các nhà kinh tế chỉ trích chính sách kinh tế của Nga là quá bảo thủ khi quá tập trung vào tích trữ, tiết kiệm hơn là chi tiêu. Tuy nhiên, điều này dường như phản ánh một niềm tin sâu sắc của người Nga: "Cho dù hôm nay mọi thứ tồi tệ đến mức nào, chúng vẫn luôn có thể trở nên... tồi tệ hơn". Giờ đây, chính sách đó có vẻ hợp lý.

"Nga đã sẵn sàng hơn bao giờ hết trong lịch sử của mình", ông Vladimir Osakovsky, nhà kinh tế trưởng tại Bank of Ameria nói, nhắc tới khả năng kinh tế Nga không thể sụp đổ vì COVID-19.

Ông cho biết Nga đã xây dựng khoản dự trữ khổng lồ đó trong suốt thời gian trừng phạt bằng cách áp mức giá ước tính rất thấp cho dầu mỏ để cân đối ngân sách quốc gia. Nếu dầu mỏ sụt giá, Nga không bị ảnh hưởng nguồn thu. Nếu dầu mỏ giá cao hơn mức giá ước tính, toàn bộ nguồn thu "dôi" sẽ đi thẳng vào kho dự trữ.

Chính sách này đã bỏ đói nền kinh tế đầu tư, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ đạt tăng trưởng 1,3% trong năm ngoái, nhưng nó lại đặt Nga vào vị thế vững chắc bước vào cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong một khía cạnh khác, các lệnh trừng phạt phương Tây cũng đã giúp ngành nông nghiệp Nga hưởng lợi lớn. 

Trước thời điểm 2014, Moscow nhập khẩu nhiều loại nông sản thiết yếu nhưng khi các nước sợ lệnh trừng phạt và không bán những mặt hàng này tới Nga nữa, các nhà sản xuất Nga "vô tình" có cơ hội chưa từng thấy để tiếp cận thị trường quốc nội gần 150 triệu dân.

Đến nay, Nga đã tự cung ứng hầu hết các loại thực phẩm cần thiết như trái cây, rau quả  tươi. Moscow thậm chí trở thành bên xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với đóng góp GDP không dưới 20 tỷ USD mỗi năm. Khả năng tự cung cấp lương thực được cho là tối quan trọng với bất cứ nước nào trong giai đoạn khủng hoảng.

"Ngay cả trong một kịch bản tồi tệ hơn lúc này, Nga vẫn sẽ thể sống sót sau cú sốc COVID-19 tốt hơn nhiều nền kinh tế khác", ông Sofya Donets, một nhà kinh tế tại Renaissance, một ngân hàng đầu tư ở Moscow, nói với New York Times.

Được biết, ngoài sự vững vàng về kinh tế, Nga cũng sớm áp dụng nhiều bước đi mạnh tay ngăn dịch COVID-19 lan rộng trong nước này. Không giống như phần đông các nước châu Âu, Nga hiện chỉ ghi nhận 367 ca COVID-19, ít hơn cả số ca tại Luxemburg, vùng lãnh thổ có diện tích và dân số thấp hơn Nga rất nhiều lần, nhưng có tới 800 ca nhiễm, 8 ca tử vong.

Hồi tháng 1/2020, Nga là một trong những nước đầu tiên đóng cửa biên giới dài 4.000km với Trung Quốc, sau đó là các biện pháp hạn chế đi lại với Hàn Quốc...

Nước này đồng thời ban bố chính sách thắt chặt cách ly những người có nguy cơ. Chính quyền Nga hiện đã bố trí tới 55.000 giường bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với 40.000 máy thở, yếu tố then chốt để ứng phó trong trường hợp dịch lan rộng.

Thiện Nhân
.
.
.