Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã đạt đến giới hạn

Thứ Hai, 04/09/2017, 21:37
Trước những diễn biến leo thang đầy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhiều nước đưa ra những phương án và quyết sách cho riêng mình, trong đó có Thụy Sĩ, Đức, Anh và Pháp.

Mang tiếng nói của một quốc gia trung lập, Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard ngày 4-9 cho biết nước này luôn sẵn sàng để hành động như một trung gian hòa giải nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng.

"Chúng tôi sẵn sàng để trở thành một trung gian hòa giải hợp lý. Tôi nghĩ rằng trong những tuần sắp tới, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể gây sức ảnh hưởng như thế nào đến cuộc khủng hoảng này. 

Đó là lý do vì sao tôi nghĩ Thụy Sĩ và Thụy Điển có thể có vai trò phía sau vấn đề này", Tổng thống Leuthard nói.

Thụy Sĩ mong muốn trở thành trung gian hòa giải trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: BBC

Song bà cũng khẳng định các lệnh trừng phạt "không thay đổi được nhiều thứ" trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bà cũng nhận định đây là thời gian cho những cuộc đàm phán, và Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ phải chia sẻ trách nhiệm nhằm tránh những "phản ứng thái quá".

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May cùng ngày cũng đưa ra những nhận định tương tự rằng các giải pháp ngoại giao hòa bình là thích hợp hơn. Theo đó, Vương quốc Anh đang tìm mọi cách để gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành liên tiếp các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

"Chúng tôi tập trung vào làm việc với các đối tác nhằm gia tăng áp lực lên Triều tiên và tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng", phát ngôn viên của Thủ tướng May thông báo.

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng gọi các cuộc thử nghiệm hạt nhân mới của Triều Tiên là "liều lĩnh và gây ra mối đe dọa không thể chấp nhận được với cộng đồng quốc tế".

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong ngày họp đầu tiên 4-9. Ảnh: Business Today

Trong một diễn biến có liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khi trao đổi với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước BRICS hôm 4-9 đã cảnh báo rằng: "Rõ ràng trong tình hình hiện nay, bất kỳ bước đi vụng về nào cũng có thể dẫn tới một vụ nổ, vụ nổ chính trị, vụ nổ quân sự chứ không đơn thuần là vụ nổ hạt nhân".

Ông Ryabkov nói rằng không một quốc gia nào có quyền hành động đơn phương, đồng thời đánh giá các biện pháp trừng phạt trước đây áp đặt lên Triều Tiên đã đạt đến giới hạn, những lệnh trừng phạt mới chỉ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của Triều Tiên chứ không làm suy yếu khả năng quân sự của họ.

"Không nên có chỗ cho sự leo thang. Những người thông minh và mạnh mẽ hơn nên kiềm chế", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nhận định.

Với giọng điệu mạnh mẽ, Thứ trưởng Sergei Ryabkov cũng lên tiếng hối thúc Triều Tiên "chấm dứt các hành động khiêu khích gây bất ổn cho tình hình", Washington Post đưa tin.

Hình ảnh ghi lại một phần quá trình phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: CNN

Cùng ngày, Đức và Pháp cho biết sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu thảo luận về khả năng áp đặt lệnh trừng phạt nặng nền hơn sau vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên, phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay.

Triều Tiên hôm 3-9 đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, nói rằng đó là một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đánh dấu sự leo thang lớn trong đối đầu giữa Bình Nhưỡng với Washington cùng các đồng minh. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích hành động của Triều Tiên là "thù địch và gây nguy hiểm".

Một cuộc tập trận của quân đội Hàn Quốc tại khu vực gần biên giới với Triều Tiên hôm 4-9. Ảnh: AP

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong việc điều tàu sân bay, oanh tạc cơ hạt nhân và nhiều vũ khí chiến lược khác đến bán đảo để phô trương lực lượng, đáp trả hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo thường kỳ cho biết nước này đã trao công hàm phản đối cho người phụ trách Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc. 

"Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng tất cả các bên, đặc biệt là Triều Tiên, sẽ kiềm chế, không đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang", người phát ngôn Cảnh Sảng nhấn mạnh.

An Nhiên (Tổng hợp)
.
.
.