Phát hiện biến chủng COVID-19 ở Anh có thể kháng vaccine

Thứ Ba, 16/02/2021, 07:49
Các chuyên gia Anh phát hiện thêm một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 có tốc độ lây lan cao hơn các chủng cũ và khả năng kháng lại vaccine.

Các chuyên gia phát hiện thêm biến chủng COVID-19 ở Anh có thể kháng vaccine. Ảnh: Guardian

Guardian ngày 15/2 dẫn kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Edinburgh của Anh cho biết, họ đã phát hiện một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 sau khi giải trình tự gen virus ở các bệnh nhân COVID-19 tại 10 quốc gia khác nhau, gồm Anh, Đan Mạch, Australia và Mỹ.

Biến chủng mới, được định danh là B125, khiến các chuyên gia lo lắng bởi nó có điểm tương đồng với biến chủng B117, hay biến chủng Kent được phát hiện lần đầu ở Anh tháng 10/2020, do khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70% so với các chủng ban đầu.

Ngoài ra, B1525 cũng có nhiều đột biến khác, bao gồm đột biến E484K ở gai protein – thành phần giúp nó xâm nhập tế bào dễ dàng hơn.

Đột biến E484K từng được ghi nhận trên các biến chủng lần đầu tìm thấy ở Nam Phi và Brazil. Virus mang đột biến E484K có khả năng tránh kháng thể vô hiệu hóa do cơ thể người sinh ra, tức có thể lây nhiễm với cả những người từng bị nhiễm các chủng cũ của SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Simon Clarke, chuyên gia hàng đầu về vi sinh vật học tế bào, nhận định, dù chưa rõ tác động của các đột biến đối với khả năng lây nhiễm và độc tính của chủng B1525. Tuy nhiên, việc sở hữu E484K có thể giúp B1525 kháng lại một số vaccine ở mức độ nhất định, tương tự như biến chủng ở Nam Phi.

Các nhà khoa học ở Nam Phi hôm 7/2 đã xác nhận, chủng mới B.1.351 được ghi nhận lần đầu tại quốc gia này có thể gây bệnh với cả những người từng nhiễm những chủng cũ của virus SARS-CoV-2. Mẫu vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cũng được thông báo có hiệu quả kém với biến chủng B.1.351.

Anh hiện đã báo cáo 32 ca nhiễm biến chủng B1525. Tiến sĩ Simon Clarke trên khuyến nghị nên có nỗ lực xét nghiệm hàng loạt với bất cứ biến chủng nào sở hữu đột biến E484K vì nguy cơ chúng gây nên khả năng chống lại miễn dịch.

Theo số liệu thời gian thực trên Worldometer tính đến 7h30 sáng nay (16/2, giờ Hà Nội), toàn thế giới ghi nhận gần 109,7 triệu ca dương tính COVID-19, trong đó hơn 2,4 triệu người đã thiệt mạng.

Dù số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm trên toàn cầu, nhưng nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva cảnh báo, nguy cơ dịch tái bùng phát là hiện hữu nếu các chính phủ lặp lại "những sai lầm trong quá khứ", tức dỡ bỏ phong tỏa quá sớm.

Thiện Nhân
.
.
.