Pháp lao đao vì bạo loạn: Người biểu tình chặn cao tốc, đốt trạm thu phí

Thứ Tư, 19/12/2018, 10:55
Những đối tượng biểu tình quá khích thuộc phe "áo ghi-lê vàng" đã châm ngòi cho sự hỗn loạn giao thông tại Pháp bằng cách chặn và đốt cháy các trạm thu phí trên đường cao tốc, gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giao thông nước này.

Trang Express dẫn nguồn tin công ty điều hành đường cao tốc thu phí lớn nhất nước Pháp Vinci Autoroutes cho biết, những người biểu tình mặc áo ghi-lê vàng đã bày tỏ sự tức giận của mình bằng những hành động đập phá trên đường phố trong tuần biểu tình thứ 5 liên tiếp. Họ tập hợp và tiến hành biểu tình tại 40 địa điểm được quản lý bởi Vinci Autoroutes.

Cũng theo công ty này, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hành động đập phá là tại miền Nam nước Pháp, trong đó trạm thu phí Bandol ở phía đông thành phố Marseille đã bị thiệt hại nặng nề sau một đêm do các hành động đốt phá. 

Người biểu tình chặn đường không cho phương tiện di chuyển trên cao tốc. Ảnh: AP
Một công nhân đang dọn dẹp lại trạm thu phí tại Bandol bị nhóm người biểu tình đốt phá. Ảnh: Globe and Mail

Các hành vi đập phá, chặn cao tốc của các phần tử biểu tình quá khích cũng khiến nhà chức trách buộc phải đóng cửa cao tốc A50, gây nên tình trạng gián đoạn giao thông trầm trọng tại khu vực này. Một số giao lộ đường cao tốc khác cũng đã bị hư hại nặng.

Công ty Vinci trong một tuyên bố cũng cảnh báo: "Các lái xe nên hết sức cẩn thận khi đến gần cổng thu phí và đường dốc vào đường cao tốc do sự hiện diện của nhiều người đi bộ".

Đây không phải là lần đầu tiên những người biểu tình thuộc nhóm "áo ghi-lê vàng", vốn được đặt tên theo chiếc áo khoác huỳnh quang mà những người lái xe Pháp thường có, tiến hành các hành vi chặn đường, cản trở giao thông trên khắp cả nước.

Kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách thuế nhiên liệu tại Pháp nổ ra vào giữa tháng 11, hàng nghìn lượt người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Những đối tượng quá khích đã đốt xe, đập phá, cướp các cửa hàng và đụng độ với các sỹ quan cảnh sát tại Paris cũng như tại các thành phố khác của Pháp.

Hành vi đập phá của người biểu tình gây tổn thất nặng nề cho nước Pháp. Ảnh: Getty
Nhiều tuyến đường cao tốc trên nước Pháp bị chặn cứng. Ảnh: RFI

Tính đến cuối tuần trước, ít nhất 1.600 radar, khoảng một nửa số radar giao thông của Pháp đã bị hư hại, theo thống kê của radars-auto.com. 250 chiếc radar đã bị phá hủy hoàn toàn. Các cuộc biểu tình này đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn người bị bắt giữ. 

Những cuộc biểu tình bạo động diễn ra thường xuyên đã gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính cho nước pháp. Vinci ước tính việc lắp đặt và sửa sang lại hệ thống giao thông có thể tiêu tốn tới hàng chục triệu euro. 

Các cuộc biểu tình vốn khởi nguồn từ những sự bất mãn về việc tăng thuế nhiên liệu, nay đã nhanh chóng thổi bùng thành làn sóng phản đối trong lòng nước Pháp nhằm tới các chính sách nghiêm ngặt của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Hồi đầu tuần trước, trong một bài phát biểu chính thức trên truyền hình, Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ hủy bỏ việc tăng thuế nhiên liệu, đồng thời cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu cho người lao động kể từ tháng 1 năm sau, cùng nhiều chính sách khác để hỗ trợ người dân Pháp.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái xuống thang của giới chức Pháp, biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra tại một số nơi ở Pháp, trong đó nổi bật là thủ đô Paris. Tính chất leo thang của các cuộc biểu tình buộc Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 16-12 phải thừa nhận: "Chúng tôi đã phạm phải những sai lầm. Chúng tôi đã không lắng nghe hết tâm tư nguyện vọng của người dân Pháp".

Lam Ninh
.
.
.