Nước cờ mới của Mỹ trong siết chặt gọng kìm với Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là đang cùng đội ngũ của mình đưa ra các lập luận pháp lý về việc Mỹ vẫn là một phần của thỏa thuận hạt nhân JCPOA, dù ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.
Theo tờ New York Times, động thái này có thể là một phần của “chiến lược phức tạp nhằm gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran” hoặc một động thái có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Iran.
Các quan chức chính quyền Trump được cho là đang cân nhắc một nghị quyết cấm các nước khác xuất khẩu vũ khí thông thường sang Iran sau khi lệnh cấm hiện tại hết hạn vào tháng 10/2020. Để nghị quyết này tránh được sự phản đối của Nga và Trung Quốc, đội ngũ của ông Pompeo được cho là đã đưa ra một kế hoạch mà Nhà Trắng sẽ tuyên bố rằng, về mặt pháp lý, Mỹ vẫn là một phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.
Điều này có nghĩa là, trong trường hợp lệnh cấm vận vũ khí không được gia hạn, Mỹ vẫn có thể thực thi với tư cách là một bên ký kết, cho phép Nhà Trắng khôi phục các lệnh trừng phạt trước đây đối với Tehran trước khi hiệp định 2015 được ký kết.
Trước đó, ông Pompeo kêu gọi LHQ mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, chỉ trích Tehran về vụ phóng tên lửa gần đây và gọi chương trình vũ trụ của Iran là “không vì mục đích hòa bình cũng không hoàn toàn dân sự”. Ông cũng ngụ ý rằng “không có quốc gia nào phát triển năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà không vì mục đích mang theo vũ khí hạt nhân”.
Ngày 22/4, ông Trump ra lệnh cho Hải quân Mỹ có thể “bắn hạ và tiêu diệt bất kỳ và tất cả các tàu Iran nếu có hành vi quấy rối tàu của Mỹ trên biển”, một động thái khiến người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Hossein Salami, đe dọa đáp trả với hành động khốc liệt không kém.
Iran và các quốc gia khác, cùng với một số nhà lập pháp Mỹ, đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt để giảm bớt khó khăn cho Tehran và các nước láng giềng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chính quyền Trump thay vào đó đã nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt không ngăn Iran nhận viện trợ nhân đạo hoặc vật tư y tế.