Nỗi lo "thảm kịch" Ấn Độ lan ra châu Á

Thứ Bảy, 08/05/2021, 10:23
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo những làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Á, dấy lên nỗi lo "thảm kịch" giống như ở Ấn Độ có thể lặp lại.

Times of India sáng 8/5 cho biết, Ấn Độ trong ngày trước đó ghi nhận thêm 401.326 ca nhiễm mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp có trên 400.000 ca bệnh, chiếm một nửa số ca bệnh mới toàn cầu; cùng 4.187 ca tử vong – mức cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia Nam Á.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 với một phụ nữ ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Đợt bùng dịch lần này ở Ấn Độ khởi phát từ hồi giữa tháng 2/2021. Đến nay, sau hơn 80 ngày, Ấn Độ đã báo cáo tới 11 triệu ca bệnh mới, nhiều hơn đợt bùng dịch đầu tiên kéo dài trong cả năm trước, tính từ ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên 30/1/2020 tới ngày 14/2/2021.

Bất chấp nỗ lực trong nước cũng như trợ giúp từ quốc tế, Ấn Độ vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu oxy và vật tư y tế cơ bản khác để chăm sóc người bệnh; trong khi những người tử vong phải xếp hàng chờ hỏa táng tại các lò thiêu lộ thiên.

Các chuyên gia y tế cảnh báo vài tuần tới tình hình tại Ấn Độ sẽ tiếp tục xấu đi. Qua các mô hình dự báo, giới chuyên gia của Viện Khoa học Ấn Độ nhận định, nước này có thể sẽ ghi nhận 404.000 ca tử vong vì COVID-19, chỉ kém Mỹ, nơi chứng kiến hơn 594.000 người nhiễm COVID-19 thiệt mạng.

Nhân viên y tế kéo bình oxy đi trước, bệnh nhân COVID-19 và người nhà theo sau ở Nepal. Ảnh: AP

Cùng ngày, CNN dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay tình trạng ở Ấn Độ có thể lặp lại ở các quốc gia láng giềng như Nepal, Srilanka, Maldives, thậm chí xa hơn, ở Đông Nam Á, nếu các quốc gia không kịp áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch.

Tại Nepal, nước có đường biên giới chung với Ấn Độ, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 bắt đầu "phi mã", đẩy hệ thống y tế ở vào cảnh quá tải, thiếu giường bệnh, thiếu oxy và vật dụng bảo hộ.

Thi thể các nạn nhân của COVID-19 được hỏa táng tại các lò thiêu lộ thiên ở Nepal. Ảnh: Reuters

Từ trung bình chưa đầy 200 ca mắc, hiện giờ Nepal ghi nhận hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày. Hai ngày 6 và 7/5, Nepal có thêm hơn 18.000 ca mắc mới COVID-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đến nay, số người chết vì dịch bệnh tại quốc gia 29 triệu dân này là 3.579, trong tổng số hơn 377.000 ca bệnh.

Giới chức thủ đô Kathmandu của Nepal từ đầu tháng 5/2021 đã buộc phải thực hiện những ca hỏa táng thi thể nạn nhân COVID-19 ở ngoài trời do các trung tâm hỏa táng và lò thiêu bị quá tải, biến nước này thành quốc gia thứ hai sau Ấn Độ rơi vào cảnh trớ trêu này.

Trong khi đó Sri Lanka từ cuối tháng 4 cũng bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lên 4 con số. Khoảng 100 khu vực trải dài quốc gia 21 triệu dân ghi nhận ca nhiễm, buộc chính phủ phải đóng cửa trường học và ban bố một số lệnh giãn cách.

Một khu mai táng bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia. Ảnh: CNN

Xa hơn, ở Đông Nam Á, giới chuyên gia lo ngại Indonesia có nguy cơ rơi vào tình cảnh dịch bệnh thiếu kiểm soát do làn sóng di cư khổng lồ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Bất chấp lệnh cấm, CNN cho biết có đến 18 triệu người vẫn lên kế hoạch đi lại.

Cách đây vài ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, nguồn lây nhiễm từ Ấn Độ đang góp phần thúc đẩy xu hướng gia tăng các ca bệnh mới ở Đông Nam Á. "(Tuần qua) khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 2,7 triệu ca mắc mới và hơn 25.000 ca tử vong, tăng lần lượt 19% và 48% so với tuần trước", WHO thông tin.

Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 4/5 hối thúc các nước hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn thảm kịch. "Loại virus này không màng đến biên giới và những biến thể mới đang hoành hành khắp châu Á", ông Matheou cảnh báo.


Thiện Nhân
.
.
.