Nỗi lo dịch bệnh và khói độc hậu siêu bão Harvey

Thứ Bảy, 02/09/2017, 07:08
Là cơn bão mạnh nhất từng tấn công vào bang Texas (Mỹ) trong hơn 50 năm qua, siêu bão Harvey đã làm ít nhất 44 người thiệt mạng và gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD. Điều lo sợ nhất là cơn bão đã nhấn chìm nhà máy hóa chất Arkema SA trên địa bàn thị trấn Crossby trong biển nước và là tác nhân gây nên 2 vụ nổ lớn.

Trong khi đang lo giải quyết những hậu quả thảm khốc nói trên, nước Mỹ lại phải đối mặt với siêu bão mới mang tên Irma.

Hiểm họa nhà máy hóa chất nhấn chìm trong biển nước

Hãng tin Reuters ngày 1-9 đưa tin, tính đến hết ngày 31-8 (theo giờ Mỹ), 44 người đã thiệt mạng và 19 người mất tích cùng hàng triệu người bị mất nhà cửa sau khi siêu bão Harvey đổ bộ vào bang Texas. Đó là chưa kể đến con số 780.000 người dân Texas được khuyến cáo rời khỏi nhà mình và 980.000 người tự nguyện làm việc này khi chứng kiến nước lũ dâng cao.

Để tránh những thiệt hại thêm nữa, chính quyền địa phương đã yêu cầu các đơn vị cứu hộ rà soát từng nhà trong khu vực nguy hiểm để tìm kiếm những người bị kẹt trong mưa lũ hoặc thi thể các nạn nhân.

Thông tin từ Văn phòng Thống đốc bang Texas cho hay, hiện nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao ở nhiều nơi nên ngoài lực lượng cứu hộ, chính quyền bang cũng đã yêu cầu Cục An ninh quốc gia điều động thêm 10.000 lính vệ binh tới trợ giúp công tác cứu hộ cứu nạn.

Hải quân Mỹ đưa 2 tàu chiến USS Kearsarge và USS Oak Hill tới bang này để chở hàng hóa cứu trợ, lương thực thực phẩm... Gần chục máy bay của lực lượng không quân cũng lần đầu tiên được đưa vào làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo. Hôm 31-8, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã có chuyến thị sát tình hình bão lũ tại Texas.

Siêu bão Harvey đổ bộ vào bờ biển Texas từ hôm 25-8 với gió giật mạnh hơn 200km/h và mưa lớn kỷ lục. Theo ước tính của hãng Imperial Capital tại New York (Mỹ), tổng thiệt hại mà siêu bão Harvey gây ra có thể lên tới 100 tỷ USD trong đó có việc ngành công nghiệp dầu khí ở Texas (nơi xử lý tới 1/3 sản lượng dầu của Mỹ) phải tạm dừng hoạt động.

Hôm 29-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân đã tới bang Texas đánh giá mức độ thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra. Ảnh: San Antonio Express-News.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là việc nhà máy hóa chất thuộc Tập đoàn Arkema của Pháp trên địa bàn thị trấn Crossby đã bị chìm trong biển nước cao tới 1,8m khiến nguồn điện chính và 2 nguồn bổ sung đều bị mất. Các vật liệu sản xuất của nhà máy bao gồm nhựa, các dược phẩm và vật liệu xây dựng do không được bảo quản ở một nhiệt độ lạnh thích hợp đã phát nổ ngày 31-8.

Trung tâm khẩn cấp hạt Harris, thành phố Houston, bang Texas cho biết thêm rằng, nhiều cột khói bốc lên từ hiện trường các vụ nổ, có hơn 10 người đã được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe do lo ngại hít phải khí độc từ những vụ nổ này. Chính quyền hạt Harris đã yêu cầu cư dân sinh sống trong khu vực bán kính 2,4km quanh nhà máy phải sơ tán khẩn cấp.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) tiếp tục đưa cảnh báo "vô cùng nguy hiểm" về các vụ nổ ở nhà máy hóa chất này. Ngoài ra, giới chức y tế địa phương cũng khuyến cáo về khả năng bùng phát nhiều căn bệnh, dịch bệnh ở Texas và những vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Harvey. Nguy cơ nhiều nhất hiện nay các bệnh do vi khuẩn gây ra như salmonella, E.coli, tiêu chảy, da liễu...

Và 1 triệu USD Tổng thống hỗ trợ tái thiết sau bão

Với những thiệt hại khổng lồ nói trên thì rõ ràng, chi phí tái thiết cho Texas sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết, Chính phủ liên bang sẵn sàng hỗ trợ và có thể hỗ trợ công tác này. Hôm 31-8, mức tiền 5,9 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp đã được Nhà Trắng nhanh chóng đệ trình lên Quốc hội.

Cố vấn An ninh nội địa Nhà Trắng Tom Bossert thừa nhận, nhiều khả năng, kế hoạch hỗ trợ này có thể phải tăng lên tới mức cao nhất là 150 tỷ USD vì con số thiệt hại được thống kê ngày một cao. Nhưng cái khó của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện giờ là Quốc hội sẽ không thể thông qua khoản hỗ trợ trên 125 tỷ USD bởi nhiều nghị sĩ có ý kiến rằng các đề xuất hỗ trợ không thể vượt quá con số 110,2 tỷ USD đã chi trong cơn bão lịch sử Katrina hồi năm 2005.

Hơn nữa, có vẻ như sau bão Harvey, Mỹ sẽ phải "đón" một cơn bão khác có tên gọi là Irma cũng đang mạnh dần lên tới cấp độ 3". Và trong lúc chờ Quốc hội cho ý kiến, Nhà Trắng đã thông báo rằng Tổng thống Donald Trump quyết định quyên góp 1 triệu USD cho nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão Harvey ở Texas. Số tiền này sẽ trích từ tài sản cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump song chưa rõ ông sẽ gửi tới những nhóm nào.

Hôm 29-8, trong lúc Tổng thống và Đệ nhất phu nhân tới bang Texas đánh giá mức độ thiệt hại do siêu bão Harvey gây ra, đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump cũng đã kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống quyên góp cho các tổ chức từ thiện đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão. Những tổ chức này bao gồm Hội chữ thập đỏ (Red Cross), Đội quân cứu rỗi (Salvation Army) và một số nhóm cứu trợ khác.

Được tin ngày 26-8-2017, cơn bão Harvey đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và của đối với bang Texas (Mỹ), ngày 31-8-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Gia Nam
.
.
.