Những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezuela

Thứ Sáu, 01/02/2019, 07:37
Nghị viện Khối thị trường chung Nam Mỹ (PARLASUR) thông báo tổ chức này sẽ tiến hành cuộc họp vào tháng tới nhằm thảo luận tình hình chính trị tại Venezuela. Mexico và Uruguay cũng thông báo sẽ nhóm họp một hội nghị quốc tế cho các quốc gia và tổ chức có “lập trường trung lập” nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela.


Theo Chủ tịch PARLASUR Daniel Caggiani, cuộc họp của tổ chức này sẽ diễn ra tại trụ sở của PARLASUR tại Thủ đô Montevideo của Uruguay vào ngày 11-2 tới với sự tham gia của tất cả các nước thành viên Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela.

Ông Daniel Caggiani nêu rõ cuộc họp trên nhằm đưa ra động thái phù hợp với những diễn biến hiện nay tại Venezuela, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc gặp có thể đưa ra các đề xuất nhằm giảm căng thẳng, tránh sự can thiệp từ bên ngoài và leo thang bạo lực tại Venezuela.

Chủ tịch PARLASUR cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đề xuất tiến hành cuộc họp của Chính phủ Mexico và Uruguay nhằm tạo điều kiện cho các bên tiến hành đối thoại. Cuộc họp này dự kiến diễn ra tại Thủ đô Montevideo vào ngày 7-2. Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Uruguay, Chính phủ nước này và Chính phủ Mexico đang hồi đáp “lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm khởi động đối thoại”.

Hai nước dự kiến có khoảng 10 quốc gia và tổ chức tham dự hội nghị, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Mexico và Uruguay là hai nước không công nhận Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido là nhà lãnh đạo của Venezuela sau khi ông này tự xưng là Tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ.

Tổng thống Nicolas Maduro trước những người ủng hộ.(Ảnh: CNN)

Trong khi đó, tại Venezuela, nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra tại một số bang nhằm bày tỏ sự đoàn kết với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào tình hình nội bộ của nước này. Tại bang Barina, cái nôi của Cách mạng Bolivar, hàng trăm người dân trong trang phục áo đỏ đã tham gia cuộc tuần hành, hô vang khẩu hiệu ủng hộ cố Tổng thống Hugo Chavez và đương kim Tổng thống Nicolas Maduro.

Tinh thần cách mạng cũng được thể hiện tại cuộc tuần hành ở bang Falcon với sự tham gia của hàng trăm người ủng hộ chính phủ. Một số bang khác cũng tổ chức cuộc tuần hành như Vargas, Lara, Yaracuy, Aragua.

Phó Chủ tịch thứ nhất đảng Xã hội chủ nghĩa thông nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền đồng thời là Chủ tịch Quốc hội lập hiến Diosdado Cabello cho hay một cuộc tuần hành quy mô lớn sẽ diễn ra tại Caracas vào ngày 2-2 tới nhằm kỷ niệm 20 năm cuộc Cách mạng Bolivar và ngày tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên của cố Tổng thống Hugo Chavez (2-2-1999).

Hôm 30-1 (giờ địa phương), Tổng thống Nicolas Maduro cho biết ông sẵn sàng tổ chức đàm phán với phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ bầu cử quốc hội trước thời hạn. Ông nhấn mạnh: “Tôi đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với phe đối lập để chúng tôi có thể thảo luận về lợi ích của Venezuela”, đồng thời nêu rõ: “Sẽ rất tốt để tiến hành bầu cử quốc hội trước thời hạn, đó sẽ là một hình thức thảo luận chính trị hiệu quả”.

Nhà lãnh đạo Venezuela cho hay, trong cuộc điện đàm hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ kinh tế và quân sự cho quốc gia Mỹ Latinh này. Theo ông Nicolas Maduro, Venezuela và Nga vẫn thường xuyên hợp tác với nhau.

Hiện Venezuela là đồng minh hiếm hoi của Nga ở Mỹ Latinh. Tổng thống Venezuela cũng đã bác bỏ những yêu cầu của nước ngoài tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới. Ông nói: “Bầu cử tổng thống diễn ra chưa đến 1 năm trước. Chúng đã được tổ chức 10 tháng trước đúng theo tất cả quy tắc hợp pháp và hợp hiến. Tôi đã được 68% cử tri ủng hộ.

Cuộc bầu cử này là hợp pháp, được tổ chức với việc sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử minh bạch cũng như các quan sát viên quốc tế”. Theo nhà lãnh đạo này, những yêu cầu từ một số nước ngoài tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới là “mánh khóe” của Mỹ và nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận những tối hậu thư từ bất kỳ ai trên thế giới, chống lại hành vi hăm dọa. Cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela đã diễn ra và nếu những người theo chủ nghĩa đế quốc muốn một cuộc bầu cử mới thì họ phải đợi đến năm 2025”.

Cùng ngày, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Iraq Mohammad Ali Hakim, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow muốn giúp tạo điều kiện cho đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập Venezuela. Theo Ngoại trưởng Nga, bất kỳ sự hòa giải quốc tế nào trong những cuộc đối thoại như vậy cần phải công bằng và có sự tham gia của nhiều nước.

Ông Sergei Lavrov nhấn mạnh Nga đã hội đàm với phía Trung Quốc cũng như các nước Mỹ Latinh và châu Âu để xúc tiến cuộc đối thoại như vậy. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho biết thêm Venezuela đã thanh toán khoản nợ với Nga kịp thời và đầy đủ, đồng thời khẳng định sự hợp tác kinh tế giữa Moscow và Caracas được tiến hành một cách toàn diện.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga tuyên bố, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ của Venezuela là “trái phép”, vi phạm mọi qui định và luật pháp quốc tế, làm xói mòn niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với đồng USD, đồng thời khẳng định Washington và các đồng minh đang âm mưu chiếm đoạt tài sản của Venezuela.

Ông Lavrov tuyên bố Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính quyền hợp pháp tại quốc gia Nam Mỹ này, cũng như bảo vệ các lợi ích trong quan hệ hợp tác Nga-Venezuela phù hợp với luật pháp quốc tế.

Có cùng quan điểm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những hậu quả của việc áp đặt trừng phạt công ty dầu khí PDVSA của Venezuela. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mọi biện pháp trừng phạt đơn phương, chờ rằng sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nội bộ của một quốc gia “sẽ chỉ khiến tình hình thêm phức tạp”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.