(NÓNG TRONG TUẦN) Bùng nổ căng thẳng ở Venezuela, Tổng thống Trump miễn cưỡng mở cửa Chính phủ Mỹ

Thứ Hai, 28/01/2019, 09:29
Căng thẳng chính trị bùng nổ ở Venezuela, thảm kịch vỡ đập nước thải khai thác mỏ ở Brazil và việc Tổng thống Mỹ Trump miễn cưỡng mở cửa trở lại Chính phủ Mỹ sau 35 ngày đóng cửa... là những tin tức đáng chú ý nhất tuần qua.

Bùng nổ căng thẳng ở Venezuela

Căng thẳng đã bùng nổ ở Venezuela tuần qua, sau khi phe chống Tổng thống Nicolas Maduro tiến hành các cuộc biểu tình bạo loạn ở nhiều thành phố. Hôm 23-1, thủ lĩnh phe đối lập kiểm soát Quốc hội Venezuela Juan Guaido tự phong mình là “Tổng thống lâm thời”.

Căng thẳng bùng nổ ở Venezuela tuần qua với loạt cuộc biểu tình do phe đối lập phát động. Ảnh: Reuters

Tình hình thêm phức tạp khi Mỹ lập tức công nhận Juan Guaido kéo theo một loạt quốc gia đồng minh có động thái tương tự. Chính quyền Mỹ gia tăng áp lực lên Tổng thống Maduro bằng việc áp dụng loạt biện pháp chế tài dầu mỏ đối với Venezuela và triệu tập Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn về vấn đề quốc gia Nam Mỹ.

Ở châu Âu, một số nước ra tối hậu thư buộc Venezuela phải tiến hành tổng tuyển cử ngay trong tuần này hoặc là sẽ nối gót Mỹ công nhận Juan Guaido.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới kêu gọi Mỹ và các nước dừng can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela, tôn trọng chính quyền hợp hiến, hợp pháp ở Caracas và ý nguyện người dân quốc gia Nam Mỹ. Còn LHQ thì kêu gọi các bên nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở Venezuela trong hòa bình.

Về phần mình, ông Maduro tuyên bố Guaido "vi phạm hiến pháp" và cáo buộc Mỹ đang tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông. Ông Maduro cũng từ chối tiến hành bất cứ cuộc bầu cử nào theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela khẳng định ông sẵn sàng đối thoại với Washington để giải quyết bất đồng.

Đảo Sulawesi của Indonesia lại hứng thiên tai khiến 68 người chết

Các trận lũ lụt và sạt lở đất trên đảo Sulawesi sau đợt mưa lớn kéo dài đã làm ít nhất 68 người thiệt mạng, 47 người bị thương .Khoảng 7.000 người khác cũng buộc phải rời nhà cửa tới nơi sơ tán do chính phủ bố trí.

Người dân Sulawesi đi lại khó nhọc trong nước lũ. Ảnh: Reuters

Thiên tai đã khiến 5.000 ngôi nhà bị hư hại, hàng chục cây cầu nhỏ bị cuốn trôi và nhiều hecta nông sản bị xoá sổ. Đợt mưa lũ và sạt lở đất tấn công đảo Sulawesi từ hôm 22-1. Indonesia đã phải điều động hàng trăm nhân viên cứu hộ tới giúp đỡ người dân sớm trở về nhà cửa và ổn định cuộc sống.

Sulawesi vẫn chưa phục hồi sau thảm hoạ kép tháng 9 năm ngoái, khi động đất mạnh 7,5 độ kích hoạt sóng thần cao 6m ập vào bờ biển, phá huỷ toàn bộ "dấu hiệu của loài người" ở thành phố Palu và thị trấn Donggala cạnh đó.

Thảm họa trên khiến 2.200 người chết, hàng ngàn người khác còn mất tích, hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng, hàng nghìn công trình xây dựng bị đổ sập, trở thành một trong những thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Indonesia thông báo họ cần hàng trăm triệu USD khôi phục đảo Sulawesi sau các trận thiên tai gần đây.

Vỡ đập nước thải ở Brazil

Hôm 25-1, con đập chứa bùn và nước thải thuộc khu khai thác quặng của công ty Vale SA bất ngờ gặp sự cố vỡ thành chắn, khiến hàng triệu mét khối bùn lầy ùn ùn tràn tới thị trấn Brumadinho lân cận ở bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil, làm ít nhất 34 người thiệt mạng và 300 người khác mất tích.

Trực thăng quần thảo bầu trời còn các nhân viên cứu hộ đào bới đất bùn tìm kiếm nạn nhân vỡ đập ở Brumandinho. Ảnh: AP

Hơn 2 ngày sau sự cố, giới chức Brazil thông báo, còn rất ít cơ hội sống sót cho bất cứ nạn nhân nào trong tổng số 300 người mất tích, bởi những gì họ tìm thấy chỉ toàn là thi thể bị chôn vùi dưới lớp bùn thải dày đặc.

Hơn 100 lính cứu hỏa và khoảng 100 người khác vẫn đang miệt mài đào bới những khu vực nghi có người. Đội cứu hộ sử dụng máy ủi tìm kiếm người sống sót, trong khi trực thăng quần thảo liên tục vơi hi vọng nhìn thấy những người mắc kẹt. Tuy nhiên, công việc của họ đang gặp khó khăn vì trời mưa ở Brumandinho.

Chính phủ Brazil đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện vụ vỡ đập trên. Tổng thống nước này Jair Bolsonaro cùng các quan chức đa đến hiện trường để giám sát công tác cứu hộ, cũng như cam kết cung cấp mọi nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả.

Vụ vỡ đập vừa rồi là thảm hoạ môi trường kinh khủng nhất Brazil nhiều năm qua, ngoài làm chết nhiều người, nó còn làm ô nhiễm nguồn nước của hơn 250.000 dân thường và ảnh hưởng tới hàng chục loài sinh vật vì 50 triệu m3 chất thải bị đổ ra Đại Tây Dương thông qua những con sông.

Cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil đã phạt tập đoàn Vale 66 triệu USD sau thảm họa trên, trong khi giới chức cảnh sát tạm phong toả khoản tiền 1,3 tỷ USD khác của tập đoàn này. Hiện chưa rõ sai phạm của Vale nghiêm trọng tới mức độ nào.

Nga- Nhật bế tắc trong tìm kiếm thỏa thuận hòa bình

Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 22-1 ở Moscow về tìm kiếm một hiệp ước hoà bình đang "dậm chân tại chỗ" bởi khúc mắc muôn thuở trong vấn đề phân định 4 hòn đảo trên Thái Bình Dương mà Nga gọi là Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Nga- Nhật vẫn bế tắc về một thỏa thuận hòa bình sau nhiều vòng đàm phán. Ảnh: EPA

Cả 4 hòn đảo này thuộc quyền kiểm soát của Nga từ sau Thế chiến II, Nga và Nhật vẫn chưa kí hiệp ước hòa bình suốt 74 năm qua vì tranh cãi chủ quyền với nhóm đảo. Khi tới Moscow, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiết lộ ông có thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình với Nga nếu Moscow trao lại cho Tokyo 2 trong số 4 đảo tranh chấp.

Cách tiếp cận này được cho là đánh dấu một sự thay đổi trong lập trường lâu nay của Tokyo khẳng định Nga phải trả lại toàn bộ 4 đảo trên. Tuy nhiên, quan điểm đó vẫn chưa được người Nga chấp thuận.

Tổng thống Nga Putin cho hay việc phân định các đảo này phải dựa trên một giải pháp mà người dân hai nước chấp nhận. Còn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng rất khó để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình nếu Nhật Bản không chấp nhận kết quả của Thế chiến II, bao gồm chủ quyền của Nga đối với quần đảo Kuril.

Hiện tại, Nga và Nhật Bản đã đồng ý thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung trên chuỗi đảo tranh chấp trong nhiều lĩnh vực. Moscow muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, nâng kim ngạch thương mại lên 30 tỷ USD để tạo không khí thuận lợi cho đàm phán.

Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại

Các phe phái trong chính quyền Mỹ đạt được thỏa thuận tạm thời mở cửa lại chính phủ sau 35 ngày ngừng hoạt động một phần vì bất đồng về ngân sách xây tường biên giới vào ngày 25-1, sau khi Tổng thống Donald Trump chấp thuận dự luật ngân sách nhằm cung cấp kinh phí hoạt động tới ngày 15-2.

Tổng thống Trump cho phép Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại. Ảnh: AP

Dự luật này không bao gồm gói ngân sách 5,7 tỷ USD phục vụ xây tường biên giới như ông Trump yêu cầu từ trước tới nay, cũng đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng chính trị ở Mỹ. Ông Trump được cho là đã chấp nhận nhượng bộ để 800.000 viên chức chính phủ được trả lương trở lại và tái mở cửa các cơ quan liên bang quan trọng.

"Tạm thời tôi sẽ ký dự luật để mở cửa chính phủ trở lại. Trong vòng 21 ngày tới, tôi hy vọng cả các thành viên của hai đảng Dân chủ, Cộng hòa sẽ hành xử thiện chí", Tổng thống Trump phát biểu với báo giới.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đợt đóng cửa chính phủ kỷ lục, Nhà Trắng tiếp tục cảnh báo Tổng thống Trump đã sẵn sàng đóng cửa lần nữa nếu các nghị sĩ không chịu chi tiền cho bức tường biên giới trong dự luật ngân sách kế tiếp.

Từ lâu, ông Trump luôn nhấn mạnh bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico là thứ không thể thiếu để đảm bảo an ninh biên giới cũng như an ninh quốc gia Mỹ.


Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.