Những giả thuyết xung quanh loạt vụ đánh bom ở Thái Lan

Chủ Nhật, 14/08/2016, 10:46
Bên cạnh các vấn đề chính trị, Thái Lan cũng không loại trừ khả năng loạt vụ đánh bom xảy ra vào đêm 11 và sáng 12-8 là do cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện. 4 người thiệt mạng, khoảng 40 người người bị thương sau 13 vụ đánh bom và 4 cuộc tấn công đốt phá diễn ra ở nước này.

Theo thông tin được đưa trong cuộc họp của giới chức an ninh Thái Lan tối 12-8 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, những bất đồng chính trị trong nước được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới loạt vụ đánh bom gây rúng động đất nước Chùa Vàng trong những ngày qua.

Vụ việc này có thể là động thái của bên chống đối chế độ hoặc những kẻ muốn làm mất uy tín của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) Thái Lan sau cuộc trưng cầu ý dân vào hôm 7-8 về dự thảo điều lệ do quân đội hậu thuẫn, trong đó hầu hết người đi bầu bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp.

Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Chakthip Chaijinda cho biết, các vụ tấn công xảy ra tại những tỉnh có đa số người dân bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo điều lệ và có khả năng những cuộc tấn công nhằm mục đích phá hoại.

Đồng quan điểm, phát biểu trên một chương trình truyền hình đặc biệt vào tối cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhấn mạnh các vụ tấn công trên cho thấy “vẫn còn những kẻ xấu xa tại Thái Lan”, những kẻ này “từng muốn phá hoại cuộc trưng cầu dân ý và bây giờ là ngày lễ đặc biệt của người dân - Ngày sinh nhật Hoàng hậu”. Thủ tướng Chan-ochan kêu gọi người dân đoàn kết, bình tĩnh, cảnh giác và kịp thời thông báo cho nhà chức trách về những dấu hiệu đáng ngờ.

Mặt khác, Thủ tướng đất nước Chùa Vàng cũng đề nghị người dân không gây áp lực quá mức lên nhà chức trách, đồng thời cam kết Chính phủ Thái Lan sẽ nỗ lực hết sức để điều tra về các vụ tấn công này để sớm đưa thủ phạm ra trước công lý. Trong khi đó, nguồn tin của quân đội Khu 4 cho biết, các vụ tấn công là hành động của những nhóm chính trị có liên kết với miền Nam. Họ đã đặt hàng để thực hiện các cuộc tấn công vào những khu du lịch nổi tiếng, cũng như các khu vực kinh doanh chủ chốt tại miền Nam và Bangkok.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái Lan ra Thông cáo báo chí khẳng định vụ việc trên không liên quan tới khủng bố mà là hành động nhằm làm mất trật tự công cộng.

Thiếu tướng Piyapan Pingmuang, Người phát ngôn cảnh sát Quốc gia Thái Lan cũng đã loại trừ khả năng liên quan đến khủng bố quốc tế, cho rằng, đây là sự phá hoại cục bộ. Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cũng nhận định các vụ nổ bom có động cơ chính trị.

Liên quan tới giả thuyết này, ngày 13-8, đảng Pheu Thai đã phủ nhận việc họ có bất cứ vai trò gì trong một loạt vụ đánh bom tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trên toàn Thái Lan, làm 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Cựu Ngoại trưởng Noppadon Pattama, một nhân vật cấp cao của đảng Pheu Thai, nêu rõ: “Thông qua mạng xã hội, có những người đang gửi các thông điệp nói rằng, cựu Thủ tướng  Thaksin Shinawatra đứng đằng sau các vụ việc này. Đây là hành vi vu cáo và phỉ báng. Bất cứ ai từng là thủ tướng đều lo lắng về đất nước và không có hành động tàn ác như vậy”.

Bên cạnh các vấn đề chính trị, Thái Lan hiện không loại trừ khả năng loạt vụ đánh bom là do IS thực hiện, sau khi tình báo nước này cho hay họ đã có một số báo cáo về hoạt động của IS tại Malaysia. Một nguồn tin từ Bộ Công nghệ Truyền thông và Thông tin Thái Lan (ICT) cho biết, các thẻ sim trong những chiếc điện thoại dùng để kích nổ những trái bom đến từ Malaysia.

Nhân viên điều tra thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ nổ bom ở Hua Hin ngày 12-8. Ảnh: EPA.

Bên cạnh đó, cùng ngày, Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar xác nhận cảnh sát nước này đã bắt giữ 9 đối tượng, trong đó có 2 kẻ bị tình nghi thực hiện vụ tấn công bằng lựu đạn nhằm vào hộp đêm ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur hồi tháng 6, mà IS thừa nhận tiến hành.

Còn một đặc điểm nữa là cách thức tấn công của những kẻ đánh bom tại Thái Lan vừa qua khác với cách tấn công của những nhóm hồi giáo cực đoan ở phía Nam nước này.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã lên án các vụ đánh bom ở Thái Lan trong ngày 11 và 12-8, đồng thời bày tỏ “hy vọng những kẻ thực hiện các vụ việc này sẽ nhanh chóng bị đưa ra xét xử”.

Phát biểu trước các phóng viên, Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq nói: “Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và cầu mong những người bị thương sớm hồi phục. Ngoài ra, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự đồng cảm với chính phủ và người dân Thái Lan”.

Khổng Hà
.
.
.