Nhiều nước rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Thứ Hai, 07/05/2018, 09:03
Ngày 6-5, tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow (Nga) đã diễn ra buổi tổng duyệt Lễ diễu binh kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai và cũng là 73 năm Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong Cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (9-5-1945 – 9-5-2018). 

Cùng với đó, hoạt động thường niên trong suốt hơn 10 năm qua của phong trào xã hội “Trung đoàn bất tử” lại xuất hiện.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, tham gia buổi lễ tổng duyệt có hơn 12.500 binh sĩ, bao gồm các sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân và học viên quân sự trực thuộc nhiều đơn vị quân đội và các lực lượng hành pháp khác của Nga. 

Bên cạnh đó là hơn 150 đơn vị vũ khí hiện đại và thiết bị quân sự. Bao gồm xe tăng T-72B3, xe bọc thép BTR-82A, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, pháo tự hành MSTA-S, hệ thống tên lửa Buk-M2, hệ thống tên lửa lửa Pantsir- S, hệ thống tên lửa Yars, các mẫu vũ khí đầy triển vọng như: xe tăng Armata, xe bọc thép Kurganets, boomerang, pháo tự hành Koalitsya, hệ thống robot chiến đấu Uran-6  và Uran-9… 

Lực lượng không quân vũ trụ cũng tham gia sự kiện này với 75 phi hành đoàn chiến thuật, tầm xa, vận tải quân sự …. 

Gồm các máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược Tu-160, Tu-95MS, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, máy bay tiếp nhiên liệu IL-78, máy bay vận tải quân sự IL-76MD, máy bay chiến đấu Su-35, Su-30SM, MiG-29, máy bay đánh chặn MiG-31BM, máy bay tiêm kích-ném bom SU-34, máy bay ném bom SU-24M, máy bay cường kích Su-25 và tiêm kích Su-57 mới nhất… 

Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại buổi tổng duyệt.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, trong số các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại nhất mà Nga sẽ “trình làng” trong sự kiện ngày 9-5, không thể không nhắc đến hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal. Đây là một trong 4 mẫu vũ khí mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc tới trong Thông điệp liên bang hồi tháng 3 vừa qua. 

Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov cho biết: “Kinzhal là hệ thống tên lửa siêu thanh bao gồm không chỉ tên lửa, mà còn cả máy bay mang tên lửa đến nơi cần thiết”. 

Theo vị chuyên gia trên, kết cấu này cho phép máy bay chiến đấu nhanh chóng bay đến nơi ngoài phạm vi hoạt động của các hệ thống phòng không trên các tàu chiến của đối phương và phóng tên lửa vào các mục tiêu với tốc độ cao.

Hòa chung bầu không khí này là những hoạt động của Trung đoàn bất tử tại nhiều nước trên khắp thế giới. Tại châu Âu, những người hưởng ứng hoạt động của phong trào này ở Italy bao gồm những người gốc Nga hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và cả người dân nước sở tại, đã tập trung tại Thủ đô Rome. 

Hàng trăm người đã mang theo ảnh của các cựu chiến binh thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại để tuần hành kể cả khi trời đổ mưa. Khi kết thúc hoạt động, họ đã ngẫu hứng hát các bài hát thời chiến tranh. 

Tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, những người tuần hành giơ cao ảnh của người thân tham gia cuộc chiến tranh chống phát xít, đi từ nhà ga chính ở thủ đô đến quảng trường trung tâm; đồng thời hát vang các bài hát thời chiến, trong đó có bài “Ngày Chiến thắng” và Kachiusa. Các hoạt động tương tự như vậy cũng đã diễn ra tại Thụy Sĩ, Bỉ, Slovakia và Macedonia.

Tại khu vực châu Mỹ, hoạt động tưởng nhớ những người đã cống hiến và hy sinh để cứu toàn nhân loại khỏi thảm họa phát xít cũng được tổ chức tại nhiều nước như Cuba, Brazil, Argentina, Mexico... 

Đáng kể nhất, năm nay là năm đầu tiên phong trào “Trung đoàn bất tử” đã lan đến Chile. Những người hưởng ứng phong trào này ngày 5-5 đã tập trung tại nhà thờ chính thống giáo của Nga ở thủ đô Santiago để tiến hành lễ cầu siêu cho những người đã ngã xuống trong chiến tranh, sau đó cũng tiến hành tuần hành từ đây. 

Đặc biệt là tại Mỹ, sáng 6-5 (giờ Việt Nam), gần 2.000 người đã tham gia cuộc tuần hành của “Trung đoàn bất tử” tại New York, trở thành hoạt động quy mô nhất kể từ năm 2015 khi cuộc tuần hành của phong trào này lần đầu tiên diễn ra ở quận Manhattan. Họ đã đặt hoa, dành một phút mặc niệm và thả hàng trăm đèn trời trên bầu trời Manhattan. 

Trong khi đó, tại thủ đô Washington, các hoạt động kỷ niệm bắt đầu từ khu vực Nhà Trắng. Những người tham gia đã mang theo ảnh của người thân là các cựu chiến binh và tuần hành dọc các tuyến phố. 

Dự kiến, trong vài ngày tới, các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng cũng sẽ diễn ra tại các thành phố khác của Mỹ như Los Angeles, San Francisco, Chicago... Ước tính, hoạt động của “Trung đoàn bất tử” tại nước Mỹ năm nay sẽ thu hút hơn 6.000 người tham gia.

Trong khi đó, ở châu Á, hoạt động của “Trung đoàn bất tử” đã lần thứ 2 được tổ chức tại Nhật Bản. Nhiều người Nga đang sinh sống tại Nhật Bản cũng như các nhân viên cùng gia đình của phái bộ ngoại giao Nga tại Tokyo ngày 5-5 đã tập trung tại Đại sứ quán Nga để hưởng ứng phong trào này. 

Trong khuôn khổ hoạt động còn có chương trình nghệ thuật do chính những người tham gia biểu diễn. Tại thành phố Melbourne của Australia, hàng trăm người cũng đã tập trung tại trung tâm thành phố và tuần hành dọc bờ sông Yarra, sau đó tổ chức hoạt động tập thể tại công viên Batman. 

Hoạt động của “Trung đoàn bất tử” đã diễn ra vài năm tại Australia song lần đầu tiên được tiến hành tại thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ 2 của quốc gia thuộc châu Đại Dương này. 

Cùng ngày, cuộc tuần hành “Trung đoàn bất tử” cũng lần đầu tiên được tổ chức ở Zambia, quốc gia miền Nam châu Phi với sự tham gia của hàng trăm người.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.