Nhiều nước muốn “nối gót” Anh sau Brexit

Chủ Nhật, 26/06/2016, 07:47
Ngay sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, làm chấn động toàn thế giới, nhiều nước đã bày tỏ ý định muốn “nối gót” xứ sở sương mù rời khỏi “mái nhà chung” này. Không những thế, lực lượng ly khai xứ Catalonia đã tiếp tục kêu gọi trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha và Scotland sẽ có thể tổ chức bỏ phiếu đòi độc lập.


Vào thời điểm hiện tại, phe cực hữu ở Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch đang yêu cầu trưng cầu dân ý tương tự ở Anh. Tại xứ sở Gà Trống Gaulois, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen bày tỏ ủng hộ cuộc bỏ phiếu về Brexit trong chương trình nghị sự, đồng thời kêu gọi bỏ phiếu toàn quốc về việc Pháp có tiếp tục là thành viên EU hay không.

Chúc mừng người dân Anh bằng cách treo quốc kỳ Anh trên mạng xã hội Twitter, bà Le Pen viết: “Chiến thắng của sự tự do! Chúng ta cũng cần bỏ phiếu ở Pháp và các nước EU khác! Đến lượt chúng tôi Brexit, Frexit”.

Trước đó, bà Le Pen cho rằng, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới, bà sẽ lập tức đàm phán một loạt vấn đề chủ quyền, trong đó có đồng tiền chung. Nếu đàm phán thất bại, bà sẽ yêu cầu cử tri bỏ phiếu rời EU.

Sẽ có thêm nhiều nước “nối gót” Anh nếu EU không chịu cải cách.

Tại xứ sở hoa Tulip, lãnh đạo đảng Tự do cực hữu (PVV) Geert Wilders cho hay sẽ đưa cuộc trưng cầu về vấn đề ở lại hay rời khỏi EU thành chủ đề trung tâm cho chiến dịch bầu cử Thủ tướng mới vào năm mới. Gửi lời chúc mừng đến người dân Anh, ông Wilders tuyên bố: “Người Hà Lan có quyền trưng cầu ý dân như thế.

Vì vậy PVV đề nghị trưng cầu ý dân về quyết định Hà Lan ra khỏi EU (NExit)”. Ông Wilders nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn chịu trách nhiệm với đất nước chúng tôi, đồng tiền chúng tôi, biên giới chúng tôi và chính sách nhập cư riêng của chúng tôi”. Theo nhà lãnh đạo PVV, cuộc trưng cầu dân ý về NExit cần diễn ra càng sớm càng tốt vì “không còn tương lai nào cho EU nữa”.

Còn tại Thụy Điển, đảng Dân chủ cực hữu cho biết sẽ thúc đẩy áp lực để thay đổi đất nước. Chủ tịch đảng này Jimme Akesson tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu Thụy Điển ngay lập tức bắt đầu đàm phán giao dịch với EU mà chúng tôi đã ký kết, đồng thời người dân Thụy Điển sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu về tương lai của đất nước và EU”.

Tại Đan Mạch, Chủ tịch đảng Dân túy (DF) Kristian Thulesen Dahl khẳng định: “Tôi tin người Đan Mạch cũng cần có một cuộc trưng cầu về việc có đi theo Anh hay giữ mọi thứ không thay đổi như hiện tại”. Trong khi đó, Đảng tự do Austria (FPO) kêu gọi người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz phải từ chức sau khi bỏ phiếu Brexit, cho biết Austria cũng sẽ kêu gọi bỏ phiếu toàn quốc trừ khi EU cải cách. Bên cạnh đó, Phong trào 5 sao của Ý khẳng định sẽ theo đuổi chương trình riêng cho cuộc trưng cầu dân ý về đồng Euro.

Trong khi đó, ông Jordi Sanchez, Chủ tịch “Quốc hội Catalonia” – một tổ chức ủng hộ độc lập của Catalonia - cho rằng, trong khi Scotland chuẩn bị thảo luận về một cuộc trưng cầu thứ hai với EU, đây có lẽ là lúc tổ chức cuộc trưng cầu độc lập của Catalonia.

Trong nhiều năm qua, các lực lượng ly khai ở khu vực Đông Bắc Tây Ban Nha đã vận động để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của khu vực này, giống như những gì mà Scotland từng thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, kết quả là người dân Scotland đã bỏ phiếu nhất trí ở lại Vương quốc Anh.

Sự kiện Brexit thực sự đã gây sốc không chỉ đối với người dân Anh và EU mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế. Phản ứng trước sự kiện gây chấn động này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục duy trì quan hệ đối tác vững chắc với cả Vương quốc Anh và EU sau khi Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” châu Âu, bởi đây là những đối tác quan trọng của LHQ về các vấn đề phát triển và nhân đạo cũng như hòa bình và an ninh.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ tin tưởng rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn này, EU sẽ vẫn thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung cho các công dân của mình. Chủ tịch EP Martin Schulz thì bày tỏ hy vọng sẽ không có phản ứng dây chuyền kiểu domino trong EU sau Brexit, đồng thời nhấn mạnh các nước khác không nên lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của Anh và châu Âu cần vững vàng trong thời điểm này.

Trong khi đó, phát biểu từ Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đã phản ánh sự không hài lòng của người dân Anh về vấn đề di cư và những lo lắng về an ninh cũng như về bộ máy hoạt động thiếu hiệu quả của EU. Theo ông chủ Điện Kremlin, việc Anh rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đối với Nga cũng như thế giới. Tuy nhiên, tình hình sẽ tự được điều chỉnh trong tương lai gần.

Từ Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận việc Anh rời khỏi EU là một cú sốc lớn và đòn giáng mạnh vào châu Âu, là một bước ngoặt lớn trong quá trình thống nhất khối. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel cảnh báo rằng, các quốc gia thành viên EU khác nên tránh đưa ra những kết luận vội vàng bởi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong châu Âu: “Chúng ta cần phải bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá tình hình trước khi đưa ra những quyết định đúng đắn”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro (hay gọi là Eurogroup) cho rằng, nhiệm vụ đầu tiên mà các lãnh đạo châu Âu phải làm sau cuộc bỏ phiếu ra đi của Anh là giữ gìn sự ổn định trong khối. Ông Dijsselbloem nói: “Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải duy trì sự ổn định chính trị, kinh tế ở châu Âu.

Bởi vì đó là những gì sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Anh đã lựa chọn một hướng đi không chắc chắn cho mình và chúng ta cũng phải đi tiếp con đường của mình. Giữ ổn định là điều mà chúng ta cần phải làm ở châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng”.

Khổng Hà
.
.
.