Thị trường tài chính chao đảo khi Anh rời EU

Thứ Sáu, 24/06/2016, 17:31
Cuối cùng sau nhiều ngày “nín thở” chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh ở lại hay ra đi khỏi của Liên minh kinh tế mạnh nhất toàn cầu EU, người dân Anh đã chính thức có quyết định ra đi. Câu chuyện Brexit (British-exit) đã tạo thành một cơn bão tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, với những phản ứng ngược chiều nhau.


Vàng tăng dựng ngược, giá dầu giảm sâu

Sự kiện chính trị – kinh tế lịch sử này không chỉ có tác động đến riêng nước Anh mà khiến cho thị trường tài chính thế giới có một ngày đầy biến động. Thông tin Anh rời khỏi EU khiến thị trường nước này “hoàng loạn”, đã thổi bùng các tài sản đầu tư an toàn, trong đó có vàng, trái phiếu dài hạn, đồng yên… 

Đáng chú ý, kim loại quý vàng đã nhanh chóng vượt mức 1.300 USD/oz và duy trì mức cao hơn 2 năm sau khi các dữ liệu ban đầu cho thấy người dân Anh quyết tâm “Brexit”. Thậm chí, trước khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, đã có lúc tài sản này chạm 1.360USD/oz.

“Thị trường hoảng loạn vào buổi sáng. Điều này sẽ khiến rất nhiều nhà đầu tư sảy chân. Rõ ràng thị trường đã không định giá được tình hình này”, Mike Ellingsen, một nhà kinh doanh chứng khoán tại U.S Global Investors Inc ở San Antonio, Texas cho biết. 

Tuy nhiên, sau khi kết quả công bố “chốt” Anh sẽ ra đi, vàng đã có phần chững lại, dù vẫn neo trên mức 1.300 USD/oz. Song, việc sụt giảm này, chỉ là bước lùi tạm thời sau khi tăng nóng, vì nhiều chuyên gia cho rằng “hậu” Brexit, đồng bảng Anh sụt giảm, thị trường biến động sẽ khiến giới đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn là vàng, và các nhà phân tích hàng hóa tại ANZ cho rằng giá vàng sẽ lên đến 1.400 USD/oz.

Thị trường vàng được hưởng lợi từ sự kiện Brexit.

Tại thị trường trong nước, ảnh hưởng từ “cơn bão” giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng đã có 1 phiên tăng dựng ngược, có thời điểm giá vàng đã áp sát mốc 36 triệu đồng/lượng, lên đến mức 35,80 triệu đồng/lượng. 

Cụ thể, lúc 10h20 ngày 24-6-2016, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch ở ngưỡng 35,4 triệu đồng/lượng (mua vào) – 35,80 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP Hồ Chí Minh,

Trái ngược hoàn toàn với sự hưởng lợi đặc biệt từ Brexit của vàng, thị trường dầu mỏ lại “nối gót” đồng Bảng Anh khi giảm giá sốc. Tại thị trường châu Á, tính đến 11giờ (giờ Việt Nam), giá dầu đã giảm hơn 6%. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8-2016 đã giảm 3,14 USD (6,17%) xuống còn 47,77 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao cùng thời điểm giảm 3,11 USD (6,21%) xuống còn 47,00 USD/thùng. 

Chứng khoán, tỷ giá chịu ảnh hưởng lớn

Tăng giảm ngược chiều, thị trường chứng khoán toàn cầu đang bị phân hóa một cách rõ rệt, khi mà tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 8,3%. Đây là mức tụt giảm trong một ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3-2011- thời điểm Fukushima bị động đất, sóng thần tàn phá.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 230,24 điểm (1,3%) lên 18.011,07 điểm; Chỉ số Standard and Poor's 500 tăng 27,87 điểm (1,3%) lên 2.113,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,72 điểm (1,6%) lên 4.910,04 điểm. 

Tại châu Âu, chỉ số CAC của Pháp tăng 2%, chỉ số DAX của Đức tăng 1,8%. Còn tại thị trường chứng khoán Anh, cổ phiếu hàng loạt ngân hàng Anh lao dốc mạnh: cổ phiếu Barclays mất gần 30%. Lloyds và RBS mất lần lượt 29,3% và 34,1%... ngay khi mở cửa.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, với thông tin 52% người dân Anh quyết định rời EU, lực bán đẩy mạnh trong sự hoảng loạn của nhà đầu tư. Đến hết phiên giao dịch sáng, VN- Index giảm gần 21,63 điểm (tương đương 3,42%), trong khi HNX -Index giảm 2,73 điểm (tương đương 3,2%).

Sàn UPCoM cũng có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày đi vào hoạt động, với 1,79 điểm giảm (tương đương 3,05%). Sắc đỏ gần như chiếm trọn bảng điển tử với 224 mã giảm giá trên sàn HOSE và 190 mã giảm trên sàn HNX, cùng với rất nhiều mã giảm sàn và không có người mua. 

Có thời điểm trong phiên giao dịch, chỉ số VN-Index lao dốc tới gần 34 điểm. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoảng loạn, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại và giúp lực cầu bắt đáy dâng cao, từ đó thu hẹp đáng kể đà giảm của hai chỉ số.

Kết thúc phiên VN-Index giảm 11,5 điểm (-1,85%) xuống 620,77 điểm. Toàn sàn có 36 mã tăng (15 mã trần), trong khi có tới 182 mã giảm (24 mã sàn) và 50 mã đứng giá. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 1,9 điểm (-2,23%) xuống 83,42 điểm. Toàn sàn có 38 mã tăng (10 mã trần), 162 mã giảm (16 mã sàn) và 152 mã đứng giá.

Với thị trường tiền tệ, sau khi Brexit xảy ra, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, còn đồng yên tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua, với tỷ giá ghi nhận được tại thời điểm mới nhất là 101,77 yên / 1 USD. 

Tại thị trường trong nước, tỷ giá cũng có phiên phản ứng nhanh và khá mạnh, khi ngay từ buổi sáng, tỷ giá đồng USD/VND đã tăng nhanh từ 22.330 VND lên 22.370 VND.  

Sở dĩ có sự phản ứng này, theo phân tích của các chuyên gia, Brexit sẽ khiến đồng EUR và bảng Anh mất giá, tạo nên những bất lợi đối với các hoạt động xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU. Ngoài ra, sự kiện này sẽ kéo theo triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu làm giảm cầu tiêu thụ hàng hóa ở EU.

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn vào EU, dĩ nhiên là sẽ bị thiệt hại. Bên cạnh đó, cộng hưởng với khả năng Trung Quốc phải hạ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu vào EU, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Với tác động kép này, nhiều khả năng tỷ giá sẽ biến động mạnh trở lại sau 6 tháng đầu năm giữ ổn định.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường thế giới, đánh giá cụ thể để có những biện pháp chủ động ứng xử hợp lý.

Nhóm PV
.
.
.