Nhiễu loạn các giả thuyết sau vụ máy bay Nga gặp nạn

Thứ Hai, 02/11/2015, 09:23
Các dữ liệu về chuyến bay ở dạng kỹ thuật số hiện vẫn được niêm phong khiến nguyên nhân về vụ tai nạn vẫn chưa được hé mở. Và cũng như mọi lần, truyền thông quốc tế đã không bỏ lỡ cơ hội để thêu dệt nhiều nguyên nhân về vụ tai nạn.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn hàng không thảm khốc, cướp đi sinh mạng của 224 người, các quan chức Ai Cập ngày 1/11 xác nhận đã tìm thấy cả hai hộp đen của chiếc máy bay xấu số Airbus A-321 thuộc hãng hàng không Nga Kogalymavia (Metrojet). Tuy nhiên, các dữ liệu về chuyến bay ở dạng kỹ thuật số hiện vẫn được niêm phong khiến nguyên nhân về vụ tai nạn vẫn chưa được hé mở. Và cũng như mọi lần, truyền thông quốc tế đã không bỏ lỡ cơ hội để thêu dệt nhiều nguyên nhân về vụ tai nạn.

Ngay sau khi xác nhận việc máy bay Airbus A-321 gặp nạn tại bán đảo Sinai, Ai Cập, Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) khẳng định, ở độ cao 9.000m, cơ trưởng chuyến bay đã liên lạc với trạm mặt đất và yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp tại một sân bay gần nhất do trục trặc kỹ thuật.

Cũng theo quan điểm này, người đứng đầu ủy ban giám sát hậu quả vụ tai nạn Ayman Al-Mokadem cho biết, một trong hai phi công trên máy bay đã “cảm nhận một lỗi kỹ thuật và báo cáo với cơ quan hàng không rằng ông ta muốn hạ cánh tại sân bay gần nhất”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Hossam Kamal đã bác bỏ điều này. Ông khẳng định cơ trưởng trên chiếc máy bay gặp nạn không hề phát tín hiệu tình trạng khẩn cấp đến các nhân viên kiểm soát không lưu tại sân bay Sharm El-Sheikh trước khi chiếc máy bay gặp nạn.

Ông nói: “Liên lạc giữa trạm kiểm soát không lưu và chiếc máy bay đều diễn ra bình thường cho đến khi chiếc máy bay này bị rơi. Cơ trưởng không hề phát tín hiệu cầu cứu và chiếc máy bay đột nhiên biến mất”. Ngoài ra, cũng liên quan tới “lỗi kỹ thuật”, cũng trong ngày xảy ra vụ tai nạn, hãng RIA Novosti của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên từ sân bay ở thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập) cho rằng, các thành viên phi hành đoàn của chiếc máy bay gặp nạn đã vài lần thông báo với đội ngũ kỹ thuật của sân bay trên về khả năng có trục trặc trong động cơ khi máy bay khởi động. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, thông tin trên vẫn chưa được kiểm chứng.

Phần đuôi của chiếc máy bay gặp nạn.

Cũng trong ngày 31/10, một nhóm chiến binh ở Ai Cập có quan hệ với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố đã bắn rơi chiếc Airbus A-321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia. Thông tin này được những kẻ ủng hộ IS phát tán thông qua mạng xã hội Twitter và trang Aamaq, vốn là website bán chính thức từng được IS sử dụng trong quá khứ để tuyên truyền, với nội dung: “Các chiến binh của Caliphate (Vương quốc Hồi giáo) đã bắn hạ một máy bay của Nga tại Sinai với ít nhất 220 lính viễn chinh của Nga. Nhờ ơn Thượng đế, chúng đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Người Nga, và các đồng minh của các người cần phải hiểu rằng các người không an toàn trên những mảnh đất hoặc vùng trời của người Hồi giáo”.

Tính tới thời điểm trước khi có tuyên bố trên, chưa có sự xác định của bất cứ nguồn nào về việc vụ tai nạn có liên quan tới hoạt động khủng bố, và giới chức Ai Cập đã nhanh chóng loại bỏ khả năng này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Maksim Sokolov cũng đã bác bỏ thông tin IS bắn rơi chiếc máy bay Airbus A-321. Ông tuyên bố: “Hiện nay trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau có tin cho rằng máy bay Nga có thể đã bị bắn bởi một tên lửa chống máy bay, được phóng bắn bởi những tên khủng bố. Thông tin này là không chính xác”.

Đồng quan điểm, người phát ngôn Quân đội Ai Cập Mohamed Samir cũng bác bỏ tuyên bố của IS: “Chúng có thể đưa ra bất kỳ tuyên bố mà chúng muốn, nhưng không có bằng chứng vào thời điểm này chỉ ra những tên khủng bố chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay. Chúng tôi sẽ cho biết nguyên nhân thật sự khi cơ quan quản lý hàng không dân dụng phối hợp với các nhà chức trách Nga hoàn tất vụ điều tra. Nhưng đến nay, quân đội thấy không có sự xác thực cho tuyên bố hoặc video của bọn khủng bố”.

Theo báo cáo hồi tháng 7/2015 của chuyên gia quân sự IHS Janes, nhóm Wilayat Sinai có liên kết với IS từng tuyên truyền một đoạn video trong đó cho thấy chúng sở hữu một loại hệ thống phòng không cầm tay (SA-18 Igla MANPADS), có khả năng bắn rơi mục tiêu ở độ cao khoảng 3.048m. Tuy nhiên, ngay từ đầu, phóng viên của hãng BBC tại Cairo (Ai Cập) Orla Guerin đã không đồng tình với luận điểm máy bay Nga gặp nạn do bị bắn. Cô cho rằng, mặc dù máy bay đã bay qua khu vực mà các chiến binh thánh chiến địa phương đã liên minh với IS, nhưng máy bay đã bay ở một độ cao mà khó có thể bị “một cái gì đó từ mặt đất bắn hạ”.

Bên cạnh đó, cũng có nhận định rằng, đằng sau vụ tai nạn có bóng dáng yếu tố chính trị. Theo đó, lượng khách du lịch Nga tới Ai Cập chiếm 19,7% và chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có tới 1,7 triệu lượt khách. Chính phủ Ai Cập đã hủy bỏ chi phí thị thực cho du khách Nga để khuyến khích và đây cũng là một thỏa thuận tiền tệ giữa Nga và Ai Cập hiện đang được thảo luận. Kể từ khi ông Abdel Fattah al-Sisi lên nắm quyền vào tháng 6/2014, quan hệ giữa Nga và Ai Cập trở nên gần gũi hơn và thường xuyên được báo chí Ai Cập ca ngợi. Các thỏa thuận song phương, bao gồm cả việc phát triển điện hạt nhân ở Ai Cập và thỏa thuận vũ khí trị giá 3,5 tỉ USD, đã giúp Ai Cập trong việc đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí của Cairo, vượt ra ngoài Mỹ.

Bên cạnh đó, Ai Cập cũng hoan nghênh sự can thiệp của Nga vào Syria, trong khi các đồng minh của Cairo tại vùng Vịnh lại kịch liệt phản đối việc này.

 


Đôi nét về hãng hàng không Kogalymavia và chiếc máy bay xấu số

Được thành lập từ năm 1993, Kogalymavia Airlines còn được gọi là KolAvia, có trụ sở tại Kogalim, thành phố Tyumen thuộc Vùng liên bang Ural của Nga. KolAvia thường thực hiện những chuyến bay (hoặc cho thuê chuyến bay) tới nhiều địa điểm tại Liên bang Nga từ các thị trấn Kogalym và Surgut ở miền Bắc Siberia, và các chuyến trực thăng cho ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Năm 2012, Kogalymavia Airlines đổi tên thành Metrojet. Một năm sau đó, Công ty du lịch TH & C tiếp quản Kogalymavia Airlines và bắt đầu thực hiện các chuyến bay quốc tế. Hiện Metrojet sở hữu 7 chiếc Airbus A-321 và hai chiếc Airbus A-320.

Chiếc Airbus A-321 xấu số được đưa vào sử dụng tính đến nay là 18 năm và 5 tháng. Đây là loại máy bay dân sự do Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu sản xuất, với phi hành đoàn gồm 2 phi công và từ 4 – 6 tiếp viên. Airbus A-321 có sức chứa tối đa là 220 hành khách, trọng lượng Cất cánh Tối đa là 93.500kg, tốc độ hoạt động tối đa là 871km/h ở độ cao 11.000m với tầm bay tối đa là 5.600km. Airbus A-321 có thể bay cao tới 12.000m.

Ngày xảy ra vụ tai nạn, chiếc Airbus A-321 của Metrojet đang thực hiện chuyến bay mang số hiệu 7K9268 trong hành trình từ Sharm el-Sheij (Ai Cập) tới St Petersburg (Nga). Nạn nhân: 224 người, gồm: 217 hành khách, trong đó có 17 trẻ em trong độ tuổi 2 – 17, và 7 thành viên phi hành đoàn.     

Khổng Hà
.
.
.