Người bản địa Brazil bị COVID-19 “tàn sát” với tốc độ đáng báo động

Chủ Nhật, 24/05/2020, 14:48

Sinh sống xa các bệnh viện và thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, người dân bản địa của Brazil đang bị COVID-19 “tàn sát” với tốc độ đáng báo động.

Ảnh minh họa. Getty Images. 

Tỷ lệ tử vong của những người bản địa cao gấp đôi so với phần còn lại của dân số Brazil, theo nhóm vận động Articulation of Indigenous Peoples of Brazil (APIB), đang theo dõi số ca mắc và tử vong trong số 900.000 người bản địa của nước này.

APIB đã ghi nhận hơn 980 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 và ít nhất 125 trường hợp tử vong trong số những người bản địa. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong là 12,6%, so với tỷ lệ trung bình quốc gia là 6,4%.

Trong khi đó, Ban Thư ký sức khỏe người bản địa của Bộ Y tế nước này chỉ báo cáo 695 trường hợp nhiễm COVID-19 ở cộng đồng bản địa và 34 trường hợp tử vong. Ban này chỉ theo dõi một nhóm người nhỏ hơn - chỉ những người sống ở các ngôi làng truyền thống và đăng ký tại các phòng khám y tế địa phương, chứ không phải những người bản địa đã chuyển đến thị trấn và thành phố.

Những người bản địa đã chuyển đến các thị trấn lớn hơn hoặc khu vực đô thị để học tập hoặc tìm kiếm việc làm cũng có thể phải sinh sống trong điều kiện bấp bênh với ít dịch vụ công cộng, khiến họ dễ bị tổn thương hơn đối với các vấn đề sức khỏe. Trong khi đó, những người sống ở vùng sâu vùng xa có thể không có các thiết bị vệ sinh và y tế cơ bản. Một cậu bé người Yanomami 15 tuổi sống ở một ngôi làng hẻo lánh ở Amazon là một trong những người Brazil bản địa đầu tiên chết vì COVID-19 hồi tháng 4.

“Sự bỏ rơi của cộng đồng trong suốt nhiều năm là điều kiện thuận lợi cho COVID-19”, Dinaman Tuxa, điều phối viên điều hành của APIB và là thành viên của người dân tộc Tuxa ở phía Đông Bắc Brazil cho biết. “Các cộng đồng của chúng tôi thường ở các khu vực xa xôi, khắc nghiệt mà ít tiếp cận hoặc thậm chí là không có cơ sở hạ tầng y tế”.

Tuxa nói rằng trong cộng đồng Tuxa gồm 1.400 người, không có bệnh viện nào và phòng điều trị tích cực gần nhất cách đó 4 tiếng rưỡi lái xe. Hình thức phòng ngừa chính của họ là cách ly hoàn toàn.

“Trước đại dịch, chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn”, ông nói. “Chúng tôi đã hoàn toàn cô lập chính mình. Chúng tôi dựng lên các hàng rào. Không ai được phép vào và chúng tôi cố gắng ngăn không cho bất cứ ai ra ngoài”.

Cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào được xác nhận trong cộng đồng Tuxa, nhưng ông không biết người trong cộng đồng này sẽ có thể ngăn chặn virus trong bao lâu. Hơn 60 cộng đồng bản địa đã xác nhận các trường hợp COVID-19, nhiều người trong số đó ở khu vực Amazon, nơi mọi người chỉ có thể đến bệnh viện bằng thuyền hoặc máy bay.

Theo một nghiên cứu của InfoAmazonia, một tổ chức phi lợi nhuân, khoảng cách trung bình giữa các làng bản địa và đơn vị chăm sóc đặc biệt gần nhất (ICU) ở Brazil là 315 km. Thậm chí, có những ngôi làng còn cách các ICU 700 đến hơn 1.000 km.

“Các cộng đồng bản địa, ngay cả những cộng đồng có phòng khám y tế cơ bản, chưa đủ sức đối phó với COVID-19”, Joenia Wapichana, nữ nghị sĩ bản địa đầu tiên ở Brazil, cho biết.

Các bang miền Bắc và Đông Bắc khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 ở Brazil. Hầu hết các trường hợp tử vong do COVID-19 ở người bản địa đã xảy ra ở Amazonas, một trong những bang có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, thậm chí, các quan chức địa phương còn đưa ra cảnh báo vỡ trận hệ thống y tế.

Các nhà hoạt động vì quyền của người bản địa cảnh báo rằng việc khai thác trái phép khoáng sản và rừng trên các vùng đất của người bản địa, vốn đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền, hiện đang là mối đe dọa lớn hơn đối với các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa.

Theo số liệu từ Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), nạn phá rừng trong rừng mưa nhiệt đới Amazon đã tăng gần 64% trong tháng 4 năm nay, so với cùng tháng năm ngoái. Chỉ tính trong tháng trước, hơn 405,6 km2 của rừng nhiệt đới bị phá hủy, diện tích gấp đôi so với kích thước của Washington, DC.

Trong khi đó, Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai sau Mỹ, với hơn 347.000 ca nhiễm và hơn 22.000 ca tử vong do COVID-19. 

Duy Tiến
.
.
.