Nghị viện châu Âu muốn dừng đàm phán gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Năm, 06/07/2017, 21:55
Nghị viện châu Âu đã thông qua quyết định đình chỉ tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiến hành sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

RT đưa tin Nghị viện châu Âu đã thông qua quyết định nói trên trong ngày 6-7, theo đó kêu gọi EU và các thành viên chính thức đình chỉ việc gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn quyết tâm sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Ngay sau khi quyết định được thông qua, Ankara đã lên tiếng phản đối. Bộ trưởng phụ trách EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cho hay nước này không chấp nhận quyết định của Nghị viện châu Âu.

Cờ các nước thành viên EU tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. Ảnh: RT

"Nghị viện châu Âu đã đánh mất sự phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính tháng 7-2016. Chúng tôi đã mong đợi sự hỗ trợ mạnh mẽ chứ không phải một lời kêu gọi các bên ngừng đàm phán", ông Celik nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cho rằng quyết định nói trên là sai lầm và làm sụt giảm tín nhiệm của chính Nghị viện châu Âu.

Được biết, quyết định được thông qua chỉ một ngày sau khi Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus, nói với Reuters rằng Ankara “không chịu bất cứ trách nhiệm gì” cho việc leo thang căng thẳng với EU.

"EU có thái độ không thích hợp với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là điều không thể chấp nhận được", ông Numan Kurtulmus nói, “Chống lại Tổng thống Erdogan không phải là một sự lựa chọn hợp lý, EU phải quyết định liệu họ có thực sự muốn phát triển hay không”.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này chỉ được bắt đầu vào năm 2005. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán liên tiếp bị chững lại hoặc tạm dừng.

Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU trở nên tồi tệ từ năm 2016, sau khi Ankara phát động chiến dịch trấn áp cứng rắn với những người được cho là có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7-2016.

Hai bên ngày càng căng thẳng với nhau sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hồi tháng 4-2017 tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó cho phép Tổng thống Erdogan trở thành “siêu tổng thống”, có quyền lựa chọn mọi bộ trưởng, ban hành các đạo luật, ra lệnh bầu cử và tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Phùng Nguyễn
.
.
.