Ngăn chặn bạo lực tại Dải Gaza

Chủ Nhật, 01/04/2018, 08:51
Chỉ trong ngày 30-3 (giờ địa phương), các cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel tại khu vực Dải Gaza, gần biên giới với Israel đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16 người Palestine và làm 1.400 người khác bị thương. 

Đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ nảy sinh một cuộc xung đột mới tại khu vực này. Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cùng ngày tiến hành họp khẩn theo đề nghị của Kuwait nhằm thảo luận các diễn biến mới nhất tại Dải Gaza. 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Taye-Brook Zerihoun cho rằng, tình hình tại Dải Gaza có thể xấu đi trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. 

Theo ông, Israel phải duy trì trách nhiệm theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, theo đó, “chỉ được phép sử dụng vũ lực như một giải pháp cuối cùng và việc để xảy ra bất kỳ thương vong nào phải được nhà chức trách điều tra hợp lý”. 

Quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ Riyad Mansour cũng đã đề nghị HĐBA ngăn chặn Israel tiến hành bạo lực nhằm vào người dân Palestine. Phát biểu với báo giới trong khi HĐBA LHQ họp khẩn, ông Mansour đề nghị HĐBA LHQ cân nhắc việc bảo vệ quốc tế đối với dân thường ở Dải Gaza. 

Đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel tại Dải Gaza.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và minh bạch về thương vong tại Dải Gaza, đồng thời tái khẳng định LHQ sẵn sàng tiến hành các nỗ lực hòa bình, đồng thời đề nghị các bên liên quan kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới leo thang căng thẳng, đặc biệt là các biện pháp có thể đẩy dân thường vào nguy hiểm.  

Trước đó, hàng nghìn người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã tới 6 khu vực khác nhau ở phía Đông Dải Gaza, giáp biên giới với Israel để tham gia cuộc tuần hành hòa bình nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. 

Ngày đầu tiên của cuộc biểu tình đánh dấu “Ngày Đất đai” của người Palestine, khi chính quyền Israel tuyên bố tịch thu đất ở Galilee và Negev vào năm 1976, dẫn tới các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Palestine tại Israel. 

Trước tình hình trên, quân đội Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng gần hàng rào biên giới với Dải Gaza nhằm ứng phó với nguy cơ an ninh, đặc biệt là việc người biểu tình phá hàng rào an ninh. Xung đột nổ ra khi các binh sỹ Israel tại khu vực biên giới bắn hơi cay để ngăn cản đám đông biểu tình người Palestine tiến gần hàng rào biên giới. 

Nhiều người biểu tình sau đó đã ném đá vào các binh lính. Ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương sau các vụ đụng độ này. 

Cuộc tuần hành ngày 30-3 mở màn đợt biểu tình kéo dài 6 tuần cho đến khi văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14-5 tới. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12-2017 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine vốn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Có nhiều nhận định cho rằng, đây là một sai lầm căn bản của người đứng đầu Nhà Trắng. 

Nhìn lại quá khứ, ngày 24-10-1995, Quốc hội Mỹ đang thông qua, với đa số phiếu thuận, văn bản quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem chậm nhất vào ngày 31-5-1995. 

Mặc dù việc di dời này đã được Tổng thống William Clinton hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, song ông đã từ chối ký sắc luật về Đại sứ quán Jerusalem. 

Những người kế nhiệm ông, George W. Bush và Barack Obama cũng làm như vậy bởi họ cho rằng, Mỹ nên chờ đợi giải quyết xong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, và tôn trọng sự đồng thuận quốc tế về quy chế Jerusalem. 

Để không thông qua đạo luật này, cứ 6 tháng 1 lần, các Tổng thống Mỹ lại ký quyết định tạm hoãn thi hành đạo luật nói trên, và đó cũng là điều mà ông Donald Trump làm hồi tháng 6-2017. 

Với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6-12-2017, người đứng đầu Nhà Trắng đã chấm dứt cách tiếp cận mơ hồ trước đây. Đặc biệt, ông đã đi ngược lại Nghị quyết 476 mà HĐBA LHQ đưa ra ngày 30-6-1980, theo đó tất cả các biện pháp được Israel thông qua nhằm “thay đổi đặc tính địa lý, nhân khẩu và lịch sử của Thành phố Thánh địa” đều bị tuyên bố vô hiệu và không thích hợp. 

Một tháng sau, Quốc hội Israel đã thông qua một “đạo luật cơ bản” tuyên bố thành phố Jerusalem “toàn thể thống nhất” là thủ đô của Israel. Ngày 20-8-1980, HĐBA LHQ đã phản ứng bằng cách bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 478 yêu cầu các nước thành viên rút các phái đoàn ngoại giao của họ tại Jerusalem. 

Kể từ đó, trừ một vài quốc gia như Costa Rica và El Salvador – vẫn đặt đại sứ quán của họ tại Jerusalem cho tới năm 2006 - ở Jerusalem chỉ còn lại một vài lãnh sự quán, còn trụ sở của các đại sứ quán đều đóng ở Tel Aviv. 

Quyết định của Tổng thống Mỹ dời đại sứ quán nước này về Jerusalem được Chính phủ Israel và người dân nước này vui mừng đón nhận. Nhưng đối với giới lãnh đạo Palestine, đó là một sự phá bỏ tính hợp pháp quốc tế mà dựa vào kể từ đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Đó cũng là một thất bại mới trong chiến lược của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) chống lại Israel, do nhiều nguyên nhân.  

Cộng đồng quốc tế không ngồi yên khi bạo lực leo thang tại Gaza 

Ngày 31-3, chính quyền Palestine đã tổ chức quốc tang cho 16 nạn nhân thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Gaza. Theo đó, tất cả các cơ quan nhà nước và trường học sẽ được nghỉ, để tưởng nhớ các nạn nhân mà nước này xem là những “anh hùng tử vì đạo”. 

Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cáo buộc Israel sử dụng vũ lực đối với người Palestine tham gia biểu tình hòa bình tại Dải Gaza, đồng thời kêu gọi LHQ có hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ người dân nước này.

Theo truyền thông khu vực, cuộc biểu tình ngày 30-3 tại Palestine là một sự khởi đầu cho một làn sóng biểu tình dự kiến kéo dài hơn 1 tháng, đến ngày 14-5 - ngày khai trương văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. 

Trước đó, ngày 30-3, Tổng thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi mở một cuộc điều tra “độc lập” về vụ việc. Đại diện của Nga tại LHQ Vladimir Safronkov đã đề xuất một cuộc họp cấp cao trực tiếp giữa Israel và Palestine nhằm làm dịu căng thẳng giữa các bên.

Ông Vladimir Safronkov cho biết, Moscow sẵn sàng đứng ra tổ chức một cuộc họp như vậy nếu các bên sẵn sàng. Về phía các nước Arab, chính phủ Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã ra tuyên bố cho rằng, Israel phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình Palestine.

Trong khi đó, Mỹ, vốn là 1 trong 2 quốc gia được xem là đối tượng mà người Palestine biểu tình phản đối, cũng đã lên tiếng lấy làm tiếc về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert kêu gọi các bên liên quan cần có những bước đi nhằm giảm căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, cũng như cải thiện cuộc sống của người Palestine cùng với một kế hoạch “hòa bình”.

Trần Linh

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.