Đâu là lối thoát cho Dải Gaza?

Thứ Sáu, 15/08/2014, 08:51
Từ rạng sáng 14/8, không lâu sau khi các nhà đàm phán Israel và Palestine nhất trí kéo dài lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, do Ai Cập làm trung gian, thêm 120h, khu vực này lại oằn mình dưới làn bom đạn của Israel. Ông Izzat Reshiq - một quan chức của tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas đã lên tiếng cáo buộc Tel Aviv vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vốn được xem là để đảm bảo một kết thúc lâu dài cho cuộc chiến ở Gaza.  

Tia hi vọng mới bị dập tắt

Một quan chức Bộ Nội vụ Palestine xác nhận, chỉ 30 phút sau khi phái đoàn hai nước thông qua lệnh ngừng bắn mới, bắt đầu có hiệu lực từ 4h ngày 14/8 (giờ Việt Nam) và sẽ kéo dài trong 5 ngày, Israel đã tiến hành 4 đợt không kích vào Gaza. Còn phía Israel thì lớn tiếng rằng, lực lượng vũ trang Palestine đã bắn 6 quả rocket nhằm vào Israel ngay trong tối 13/8, trong đó có 4 quả bắn trúng các khu vực ngoài trời của Israel song 1 quả đã bị đánh chặn.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn quân đội Israel nhấn mạnh, quân đội nước này chỉ đang nhắm vào “các cơ sở khủng bố trên khắp Dải Gaza” nhằm đáp trả các vụ bắn rocket đó (vốn bị Israel coi là “cái gai trong mắt”), đồng thời cho biết, hiện quân đội Israel đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sẵn sàng phòng thủ nhằm đối phó với các nguy cơ tấn công nhằm vào nước này.

Tuy nhiên, ông Izzat Reshiq khẳng định: “Không có sự vi phạm hòa bình từ bất kỳ bên nào của Palestine và không ai ở Gaza nghe nói về việc bắn rocket. Chúng tôi lên án việc Israel tiếp tục các vụ oanh tạc. Đây là một sự vi phạm lệnh duy trì yên bình”.

Lệnh ngừng bắn 120h lần này là thỏa thuận ngừng bắn thứ ba mà Israel và Hamas đã đạt được trong hai tuần qua, sau các cuộc tiếp xúc không trực tiếp tại Cairo do nước chủ nhà Ai Cập làm trung gian. Theo các nguồn tin Ai Cập, “các bên cần thêm thời gian để đi đến một thỏa thuận lâu dài”, đồng thời nhấn mạnh rằng cả IsraelPalestine đều còn nhiều bất đồng về một số vấn đề mấu chốt.

Theo đó, người đứng đầu phong trào Hamas Ismail Haniyeh tiếp tục nhắc lại lập trường của Hamas trong việc đi đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài là Ai Cập và Israel phải dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn đối với lãnh thổ Gaza và mở một cảng biển tại khu vực này. Tuy nhiên, Israel tuyên bố các điều kiện này chỉ được bàn đến trong các thỏa thuận hòa bình với người Palestine.

Một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: AP

Và vai trò của “người trung gian”

Ngay từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel - Hamas, Ai Cập đã trở thành một chủ thể quan trọng bởi nước này kiểm soát cửa khẩu Rafah và là một nhà điều đình mà cả Israel và Hamas đều ít nghi kỵ nhất. Thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên do Ai Cập soạn thảo, theo đó Hamas phải chấm dứt bắn rocket và Israel ngừng các vụ không kích trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán, đã bị Hamas bác bỏ. Sau hơn hai tuần tình hình vẫn rất lộn xộn và các nỗ lực trung gian hòa giải khác đều không đem lại kết quả, một thỏa thuận ngừng bắn khác về bản chất tương tự như đề xuất trước của Ai Cập đã được đưa ra. Và lần này là lần thứ 3.

Rõ ràng, việc Cairo nổi lên là một chủ thể không thể thiếu đối với cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là một tin tức tốt lành đối với người dân Ai Cập và còn có thể giúp Ai Cập nhận được một gói viện trợ của khu vực. Bên cạnh đó, Ai Cập có vai trò kinh tế hết sức quan trọng với Gaza.

Cửa khẩu Rafah là “cửa ngõ” để người dân Gaza xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu vật liệu xây dựng và mua điện mà không phụ thuộc vào Israel. Nếu các cuộc đàm phán kết thúc với một thỏa thuận về việc tái thiết Gaza sau chiến tranh thì một lượng hàng hóa lớn cần thiết sẽ được chuyển qua Ai Cập. Thêm vào đó, Ai Cập cũng có lợi ích trong việc duy trì quan hệ với Hamas khi phong trào này còn nắm quyền ở Gaza, đó là vô hiệu hóa sự can dự của Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để nước này luôn giữ được thế độc quyền.

Việc Hamas trở về với “gia đình Arab” sau khi cắt quan hệ với Syria và Iran không đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức này, nhưng sự hòa giải với Fatah được cho là đã cứu phong trào Hồi giáo này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc, đồng thời duy trì được một số biện pháp có ảnh hưởng đối với chính quyền Palestine.

Theo giới phân tích, trước khi cuộc chiến hiện nay nổ ra, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sissi - vốn nhất quyết ủng hộ sự hòa giải ở Palestine - đã trao cho Hamas một cơ hội khôi phục quan hệ với Ai Cập nếu phong trào này “thay đổi tư cách” như tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Palestine (PA) và tách khỏi phong trào mẹ là Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Chưa chắc Hamas sẽ đồng ý với đề nghị này, nhưng nếu phong trào này lựa chọn việc đặt sự đồng nhất Palestine lên trên mối quan hệ tư tưởng với MB, đây sẽ là thành công quan trọng đối với Ai Cập và sẽ giúp danh tiếng của Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi tăng lên.  

Một số nguồn tin Palestine đã tiết lộ những nội dung trong đề xuất ngừng bắn do Ai Cập đưa ra. Thứ nhất: Việc đàm phán về xây dựng cảng biển và sân bay tại Gaza sẽ tiếp tục sau một tháng nữa. Ngoài ra, việc đàm phán trao trả tù nhân Palestine và thi hài 2 binh sỹ Israel cũng bị hoãn. Thứ hai: Mở cửa biên giới giữa IsraelGaza cho phép hàng hóa và người qua lại. Vật liệu xây dựng phục vụ cho việc tái thiết cũng sẽ được chuyển vào Gaza, Israel cũng sẽ cho phép trao đổi hàng hóa giữa Gaza và Bờ Tây. Thứ ba: Vùng đệm (khu vực biên giới tại Gaza không cho phép người Palestine tiếp cận) sẽ được dỡ bỏ và chính quyền Palestine sẽ cử lực lượng an ninh tiếp quản khu vực này vào ngày 1/1/2015.

Tiến trình này sẽ được chia làm 3 giai đoan theo hướng thu hẹp phạm vi vùng đệm cho đến khi Palestine triển khai lực lượng an ninh tại đây. Và cuối cùng là: Khu vực đánh cá tại Gaza sẽ được mở rộng từ 6 dặm đến 12 dặm.

Hà Khổng
.
.
.