Nga tiêm Sputnik V cùng vaccine phương Tây để tăng hiệu quả

Thứ Ba, 22/12/2020, 16:29
Nga đạt thỏa thuận thử nghiệm tiêm phối hợp vaccine COVID-19 Sputnik V và mẫu vaccine do Đại học Oxford kết hợp công ty AstraZeneca của Anh-Thụy Điển điều chế để gia tăng hiệu quả miễn dịch.

TASS cho biết Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), Viện nghiên cứu Gamaleya cùng hãng dược R-Pharm của Nga hôm 21/12 đạt thỏa thuận với hãng dược AstraZeneca để thử nghiệm lâm sàng việc tiêm kết hợp vaccine Sputnik V do Nga phát triển và vaccine COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca điều chế.

Việc tiêm kết hợp Sputnik V và vaccine của AstraZeneca được kì vọng giúp tăng hiệu quả miễn dịch với COVID-19. Ảnh minh họa: ITN

Theo thỏa thuận, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu hiệu quả rồi sau đó thử nghiệm việc tiêm vaccine AZD1222 với adenovirus ad26, thành phần chính của một trong hai mũi tiêm của Sputnik V. Phía Nga tin rằng việc kết hợp AZD1222 với adenovirus ad26 sẽ tạo ra mẫu vaccine mới hiệu quả chưa từng có.

AP nói rằng viện Gamaleya và RDIF, hai cơ quan phụ trách nghiên cứu và đầu tư cho vaccine Sputnik V, sẽ tài trợ cho hoạt động thử nghiệm. Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF khẳng định các thử nghiệm dự kiến ​​sẽ bắt đầu "trong tương lai gần nhất".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi hợp tác giữa các nhà khoa học Nga và AstraZeneca, kì vọng nỗ lực này "sẽ giúp đạt được một bước đột phá trong khi nghiên cứu vaccine cũng như các phương thuốc quan trọng khác nữa".

Cuối tháng trước, AstraZeneca cho biết hiệu quả của vaccine do họ sản xuất là khoảng 70%, được tính trung bình theo hai chế độ dùng vaccine khác nhau, trong đó một chế độ mang lại hiệu quả đến 90%, chế độ còn lại đạt hiệu quả chỉ khoảng 62%.

Chế độ có hiệu quả 90% yêu cầu người tiêm vaccine phải tiêm trước nửa liều, rồi tiêm một liều đẩy đủ nữa cách lần tiêm đầu tiên một tháng, theo Reuters. Hiệu quả giảm xuống còn 62% khi tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng.

Khác với vaccine của AstraZeneca, Sputnik V là vaccine hai thành phần khác nhau, tiêm thành hai mũi cách nhau 21 ngày để gia tăng hiệu quả miễn dịch. Sputnik V có hiệu quả 91,4%, theo RDIF.

Vaccine Sputnik và vaccine của AstraZeneca tuy có hiệu quả thấp hơn một chút so với vaccine do hãng dược Pfizer của Mỹ chế tạo, song chúng lại có cơ hội rộng hơn trên toàn cầu, khi có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, thay vì nhiệt độ -70 độ C như của Pfizer.

Nếu việc kết hợp mang lại hiệu quả cao, mẫu vaccine kết hợp giữa Nga và AstraZeneca có thể gây sức ép khổng lồ lên các mẫu vaccine khác trên thị trường toàn cầu, đồng thời giúp gạt bỏ hoài nghi về chất lượng của vaccine Nga, nhờ sự tham gia của yếu tố phương Tây.

Thiện Minh
.
.
.