Nga ra tay hạ nhiệt căng thẳng Trung-Ấn?
- Ngoại trưởng Lavrov tố NATO chi phối lệnh cấm Nga dự World Cup
- Giới thương gia Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc
- Ít nhất 40 lính Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ với Ấn Độ
Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishanka và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: ITN |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/6 chủ trì một cuộc họp trực tuyến cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhằm tăng cường hợp tác giữa ba bên trong bối cảnh thế giới hiện nay, theo TASS.
Kết thúc cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ba nước đã đạt được đồng thuận trong việc chống lại sự can thiệp nhằm vào tình hình nội bộ của các nước trên thế giới và thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương.
Ngoại trưởng Lavrov không xác nhận Nga có bất cứ vai trò nào trong giải quyết mâu thuẫn giữa Trung-Ấn. "Tôi thấy không có lý do để Nga hoặc bất kỳ ai khác phải tham gia vào việc thúc đẩy Ấn Độ và Trung Quốc tự giải quyết vấn đề của họ", ông Lavrov nói, theo Newsweek.
Trước đó, phía Nga cũng từng mô tả cuộc họp có mục đích chính là tập trung giải quyết hậu quả của COVID-19, song các nhà quan sát vẫn nhấn mạnh rằng sự kiện là bước đi tiếp theo của Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng hai nước Trung-Ấn gặp mặt từ khi các vụ đụng độ xảy ra ở biên giới.
Giống những tuyên bố từ phía Nga, Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ không trực tiếp nhắc đến tình hình biên giới sau cuộc họp. Tuy nhiên, ông Vương Nghị nói rằng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với tư cách là ba nước lớn có quan hệ hợp tác, cần hỗ trợ cùng phát triển, bảo vệ lợi ích chung trong duy trì, đảm bảo hòa bình của thế giới.
Theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc, ba nước cũng cần nhìn nhận đúng đắn và "xử lý thỏa đáng các tồn tại và yếu tố nhạy cảm" trong quan hệ song phương, bảo vệ cục diện quan hệ hữu hảo, tờ The Hindu trích dẫn.
Trong một thông điệp riêng rẽ do Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát đi, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar thì nói rằng cuộc gặp vừa diễn ra "tái khẳng định niềm tin của chúng tôi vào các nguyên tắc đã được kiểm chứng thời gian của quan hệ quốc tế", bao gồm "tôn trọng luật pháp quốc tế, công nhận lợi ích hợp pháp của các bên, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy lợi ích chung".