Nga cảnh báo NATO không tăng cường quân sự tại Biển Đen
- NATO tăng hơn 10 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng
- Quan hệ Nga – NATO tiếp tục căng thẳng: Chưa thể “tan băng”
- Ngại ông Trump, NATO quyết tăng chi tiêu quốc phòng
- Ukraina muốn gia nhập NATO
RT hôm 17-2 dẫn lời đại sứ Nga tại NATO, ông Alexander Grushko cho biết việc NATO tăng chi tiêu quốc phòng có thể dẫn tới việc khối này tăng cường hơn nữa hiện diện quân sự tại Biển Đen cũng như các khu vực ngay sát biên giới Nga, điều sẽ đưa quan hệ Moscow- NATO trở lại thời chiến tranh lạnh.
"Điều nguy hiểm là ở chỗ việc tăng chi tiêu sẽ kéo theo việc (NATO) mua sắm vũ khí," ông Grushko lưu ý và khẳng định "nếu kế hoạch này được thực hiện, Nga sẽ thấy mình giống như đang ở trong tình trạng Chiến tranh Lạnh, khi đó chúng tôi sẽ buộc phải tăng cường để sẵn sàng đáp trả".
NATO muốn tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đen. Ảnh: RT |
Liên quan đến tuyên bố của NATO về việc muốn tăng cường hiện diện tại Biển Đen, ông Grushkov tuyên bố Moscow sẽ phân tích kĩ càng sự việc và phản ứng thích hợp.
"Tất cả những chủ đề này sẽ được Moscow cân nhắc và, chắc chắn, chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia tại khu vực này," Grushko nói.
Hôm 15-2, bên lề hội nghị bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ: "NATO sẽ tăng sự hiện diện tại Biển Đen, với mục đích chính là phòng thủ và không nhằm kích động bất cứ cuộc xung đột cũng như leo thang căng thẳng với các nước trong khu vực. Việc tăng cường là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh quốc phòng cho các nước NATO cũng như loại bỏ các thách thức tại khu vực biển Đen.”
Trước đó, hôm 14-2, khi được hỏi về phản ứng của khối trước lời kêu gọi tăng chi tiêu cho quốc phòng nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với Washington từ ông Trump, ông Stoltenberg cho biết “Điều quan trọng nhất là chúng tôi tăng chi quốc phòng. Chúng tôi đang thực sự thực hiện lời kêu gọi đó (lời kêu gọi của ông Trump)."
Được biết, trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO diễn ra hôm 15, 16-2, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis một lần nữa lại kêu gọi các đối tác phải tăng kinh phí đóng góp cho mục đích quốc phòng, nếu không muốn những cam kết của Hoa Kỳ với Liên minh này khiêm tốn hơn.
Các Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO trong một hội nghị. Ảnh: Reuters |
Do những lo ngại về việc mất đi sự bảo vệ của Mỹ, quốc gia đóng góp 70% kinh phí hoạt động của NATO, các Bộ trưởng quốc phòng châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, và nhiều nước trong số các quốc gia thành viên tuyên bố đã bắt đầu việc tăng chi phí quốc phòng. Hội nghị các Bộ trưởng cũng thảo luận về các bước cụ thể cho việc tăng chi phí này.
Hạt động của Hội đồng NATO-Nga từng đã bị đình chỉ từ năm 2014 và mới được mở lại từ tháng 4 năm 2016 nhưng liên tiếp ghi nhận nhiều dấu hiệu xấu đi trong bối cảnh khối hiệp ước quân sự lớn nhất thế giới mới đây đã chuyển khoảng 3.000 xe thiết giáp cùng hàng ngàn binh lính tới các khu vực ngay sát biên giới Nga.
NATO do Mỹ đứng đầu cũng đang chuẩn bị mở thêm một số căn cứ quân sự khác ở Ba Lan, Bỉ và Đức để “sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cần thiết”.
Nga, để đáp trả, đã triển khai hàng loạt vũ khí chiến lược đến vùng lãnh thổ Kaliningrad ngay sát biên giới một số nước như Ba Lan, Lithuanna nhằm nắn gân NATO cũng như bày tỏ quan ngại với việc khối này liên tiếp xây dựng căn cứ xây dựng cạnh biên giới.
Đa số người dân Nga coi NATO là mối đe dọa RT hôm 13-2 dẫn một bản báo cáo mới được công bố cho biết có tới 67% người dân Nga coi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO là một mối đe dọa với nước Nga. Kết quả cuộc thăm dò dư luận nói trên được tiến hành thông qua các cuộc phỏng vấn bằng điện thoại trong năm 2016 với hàng ngàn người tham gia có độ tuổi từ 15 trở lên. Theo đó, con số ghi nhận 67% lượng người Nga coi NATO là mối đe dọa đạt mức cao kỉ lục kể từ năm 2008. Trước đó, trong năm 2012, chỉ có khoảng 38% người dân Nga được hỏi cho biết họ lo ngại khối hiệp ước quân sự phương Tây có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến nước Nga. |