Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lên án âm mưu gây tổn hại chủ quyền của Syria

Chủ Nhật, 17/02/2019, 08:33
Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc hôm 14-2 (giờ địa phương) vừa qua, ba nước nhấn mạnh sự phản đối mọi âm mưu viện cớ đấu tranh chống khủng bố hòng làm tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như an ninh quốc gia của các nước láng giềng.


Hội nghị trên diễn ra với tham gia của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Tuyên bố chung nhấn mạnh Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mọi mưu toan “tạo ra thực tế mới trên thực địa” tại Syria với cái cớ đấu tranh chống khủng bố và kiên quyết chống lại các kế hoạch ly khai. Các bên cũng cho rằng quyết định của giới lãnh đạo Mỹ rút quân khỏi Syria, nếu được thực hiện, sẽ là bước đi góp phần củng cố ổn định và an ninh ở quốc gia Trung Đông này. 

Tuyên bố chung cho biết thêm lãnh đạo 3 nước đã thảo luận tình hình tại Đông Bắc Syria và nhất trí phối hợp hành động để bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực này, kể cả sử dụng các thỏa thuận hiện có, với sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria. 

Ngoài ra, ba bên khẳng định quyết tâm hỗ trợ nhanh chóng thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria và cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và phối hợp giữa các bên ở Syria với Đặc phái viên Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về Syria, ông Geir Pedersen. 
Tổng thống Iran (trái), Nga (giữa) và Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 14-2.

Ba nước tuyên bố cần tạo mọi điều kiện để người tị nạn Syria tự nguyện hồi hương an toàn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo của LHQ tăng cường hỗ trợ Syria, bao gồm thông qua việc tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo, khôi phục cơ sở hạ tầng nhân đạo, cung cấp nước và điện, trường học, bệnh viện…

Tại Hội nghị, Tổng thống Vladimir Putin đề xuất xem xét các bước đi cụ thể mà 3 nước có thể cùng thực hiện để chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện của những nhóm khủng bố tại tỉnh Idlib không nên được khoan nhượng. 

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho rằng, khu vực phi quân sự tại Idlib chỉ là biện pháp tạm thời, và những hành động hung hăng của phiến quân tại đây sẽ bị trừng phạt. 

Theo ông, cần có biện pháp bổ sung nhằm chấm dứt căng thẳng cũng như thiết lập sự ổn định tại khu vực này. Đồng ý với ý kiến này, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định không muốn xảy ra thảm kịch mới, các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác tại Syria cũng như tỉnh Idlib và sẵn sàng thực thi mọi biện pháp có thể để triển khai Bản ghi nhớ về thiết lập vùng phi quân sự tại Idlib, vốn đạt được giữa Moscow và Ankara hồi tháng 9 năm ngoái. 

Về phần mình, Tổng thống Hassan Rouhani đã bày tỏ ủng hộ đề xuất trên của Nga, đồng thời khẳng định Syria cần một nền hòa bình lâu dài. Ông Rouhani nêu rõ hội nghị thượng đỉnh ở Sochi diễn ra hữu ích và mang tính xây dựng trong việc khôi phục hòa bình và an ninh ở Syria, khu vực và trên thế giới. Ông nhấn mạnh người Syria, trong đó có cả người Kurd, cần quyết định về tương lai của quốc gia Trung Đông này. 

Kết thúc hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria tại Astana, Kazakhstan vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.

Liên quan tới việc Mỹ rút quân khỏi Syria, “bộ ba” Astana coi đây là một “bước đi tích cực giúp ổn định tình hình tại khu vực này, nơi mà chính quyền hợp pháp cần tái thiết lập sự kiểm soát”. 

Tuy nhiên, lịch trình của kế hoạch rút quân lại đang khiến nhiều đồng minh quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lo ngại. 

Họ cho rằng, việc Mỹ rút quân vội vã sẽ khiến lực lượng người Kurd, hay còn được biết đến là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), không còn được bảo vệ bởi Washington nữa dù hiện vẫn chưa có một thỏa thuận nào từ các cường quốc trong khu vực về việc bảo vệ lực lượng này. 

Các nhà lập pháp Mỹ cũng như các chuyên gia đều cảnh báo rằng, nếu không có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường các mối đe dọa và tấn công SDF do quốc gia này coi SDF là một tổ chức khủng bố. 

Về phía SDF, theo cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Seth Jones, họ đã chuẩn bị cho tình huống khi quân đội Mỹ không còn sự hiện diện ở Syria. 

Lực lượng người Kurds gần đây đã chuyển sang đàm phán với nhiều thành phần khác nhau của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các cơ quan tình báo quân đội Nga nhằm tìm kiếm sự bảo vệ từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi đó, ông Price, thành viên tổ chức phi lợi nhuận Hành động vì An ninh Quốc gia, cho biết một số người Kurds đã nói về việc sẵn sàng đàm phán với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và điều này có thể đi ngược lại những lợi ích chiến lược của Mỹ. 

Ông Price nhận định: “Tôi nghĩ rằng họ thấy người Mỹ không còn quan tâm tới họ nữa và họ không còn cảm thấy có trách nhiệm quan tâm tới những lợi ích của Mỹ”.

Chính vì vậy, không chỉ có các chuyên gia lo lắng về việc rút quân mà các quan chức quân đội cũng cảnh báo rằng một khi lực lượng của Mỹ rút khỏi khu vực, rất khó để đảm bảo rằng IS bị đánh bại. 

Tại phiên điều trần của Quốc hội, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Owen West khẳng định rằng, ông James Mattis đã không sai khi phản đối việc Mỹ rút khỏi Syria. 

Trong khi đó, Tư lệnh không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan, Thiếu tướng James Hecker khẳng định đây là tình huống vô cùng khó khăn để gây sức ép với IS sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.