Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Syria

Thứ Hai, 14/01/2019, 09:17
Trong cuộc điện đàm ngày 12-1 thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Syria, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thống nhất về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn Washington – Ankara như là một phần trong kế hoạch rút quân “có chủ ý và phối hợp” của Mỹ khỏi Syria.


Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ trong việc bảo vệ lực lượng các Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Hôm 11-1, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố cuộc đàm phán giữa quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về người Kurd và Syria sẽ được tiếp tục vào tuần tới, với hy vọng đàm phán sẽ mang lại kết quả được cả hai nước chấp nhận. 

Cố vấn John Bolton cho biết ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo hiểu rằng, Ankara đã cam kết “không gây hại tới người Kurd”, những người đã chiến đấu cùng Mỹ chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Ông John Bolton nêu rõ: “Điều chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo đuổi trong các cuộc đàm phán quân sự này là sự đảm bảo, các nghị định thư và các thủ tục để tất cả mọi người thấy yên tâm với cách mà việc này sẽ diễn ra. Và chúng tôi hy vọng rằng những cuộc thảo luận đó, tiếp tục diễn ra vào tuần tới, sẽ mang lại kết quả chấp nhận được đối với hai bên”. 

Không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng sẵn sàng thảo luận với Nga về sự cần thiết  của việc bảo vệ lực lượng người Kurd sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria. 
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ông John Bolton nói rõ: “Người Kurd đang ở một vị trí rất khó khăn. Như đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Donald Trump nghĩ rằng người Kurd rất trung thành với chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi phải đảm bảo họ không bị ai làm hại. Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga về vấn đề này nếu cần thiết”. 

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị người đồng cấp Tayyip Erdogan đặc biệt cẩn thận với những người Kurd đã giúp Mỹ chống lại các nhóm khủng bố trong khu vực. Ông John Bolton cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết như trên, song tình hình đang thay đổi và trở nên vô cùng phức tạp.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bùng lên sau khi Tổng thống Donald Trump rút lại cam kết rút quân nhanh khỏi Syria và tìm cách bảo vệ lực lượng YPG. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG, lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS tại Syria, là một nhóm khủng bố và là một phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. 

Quyết định rút quân khỏi Syria của người đứng đầu Nhà Trắng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh của Washington. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng, việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường. 

Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ ủng hộ tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn. 

Ngoài ra, quyết định của Tổng thống Donald Trump đã khiến các đồng minh khu vực lo ngại Mỹ sẽ có thể bỏ rơi khu vực, để lại khoảng trống mà Iran nhân cơ hội củng cố tầm ảnh hưởng. 

Nhằm trấn an các đồng minh, Tổng thống Donald Trump lập tức đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo thực hiện chuyến công du 8 nước Trung Đông, gồm Jordan, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Saudi Arabia, Oman, và Kuwait để làm rõ kế hoạch của Mỹ cũng như tái khẳng định cam kết với khu vực. Ngoài ra Ngoại trưởng Mỹ cũng không loại trừ việc dừng chân ở Baghdad, Iraq. 

Thông điệp xuyên suốt chuyến công du dài ngày này của ông Mike Pompeo là “Mỹ sẽ không bỏ rơi Trung Đông”. Đồng thời, Washington muốn các đồng minh của mình tại đây gánh vác thêm trọng trách đảm bảo an ninh và ổn định khu vực trong bối cảnh có những lo ngại về sự tái trỗi dậy của các tổ chức cực đoan như al-Qaeda và IS sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria.

Không chỉ trấn an đồng minh trong vấn đề Mỹ rút quân, phát biểu tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 12-1, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bày tỏ lạc quan về khả năng tìm được một giải pháp bảo vệ người Kurd tại Syria, mà vẫn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ “bảo vệ quốc gia của họ khỏi khủng bố”, bất chấp việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tự tin có thể đạt được một kết quả, vốn đạt được cả hai mục tiêu này”.

Trước đó, trong cuộc gặp với các quan chức Iraq và chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq hôm 9-1, Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố sẽ bảo vệ người Kurd. 

Ông Mike Pompeo cũng phải cố gắng xoa dịu căng thẳng với các quan chức Iraq sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ thăm binh sỹ Mỹ dịp Giáng sinh tại một căn cứ không quân hẻo lánh ở sa mạc mà không dừng chân ở Baghdad hoặc gặp gỡ giới chức Iraq. 

Chưa hết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ cũng nhằm giải tỏa nhiều mối căng thẳng đe dọa sự rạn nứt giữa Washington với các nước khu vực liên quan đến cuộc chiến Yemen, vụ nhà báo Jamal Khashoggi.

Chính quyền Iran đã có phản ứng ngay từ đầu chuyến thăm khu vực của Ngoại trưởng Mỹ. Tổng thư ký Hội đồng tối cao an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani cho rằng Mỹ đã thất bại trong chiến lược ở Syria và Mỹ sẽ “không chỉ rời Syria mà sẽ phải rời toàn bộ vùng Trung Đông”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.