Mỹ "tạm tha" cho công ty nhôm lớn nhất nhì thế giới
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-1 đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty nhôm khổng lồ Rusal và một số công ty khác của Nga có liên quan đến doanh nhân Oleg Deripaska đang bị trừng phạt, bất chấp đảng Dân chủ đang yêu cầu duy trì các lệnh này.
Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Rusal. Ảnh minh họa Reuters. |
Hồi đầu tháng này, 11 nghị sĩ Cộng hòa của ông Trump tại Thượng viện đã “gia nhập” cùng đội ngũ đảng Dân chủ kêu gọi giữ các lệnh trừng phạt đối với Rusal và công ty mẹ là En+ Group Plc, cũng như công ty điện lực JSC EuroSibEnergo, nhưng không thành công. Tuy nhiên điều đó đã không thể vượt qua sự phản đối từ phía ông Trump và các nghị sĩ của đảng Cộng hòa còn lại.
Những người ủng hộ quan điểm giữ lại lệnh trừng phạt cho rằng ông Deripaska, một người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang nắm giữ quá nhiều quyền lực trong công ty này, và những biện pháp này nhằm trừng phạt Nga về hành động sáp nhập Crimea, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như hỗ trợ cho chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.
Một số nhà lập pháp từ cả hai đảng của Mỹ đều cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là không phù hợp trong bối cảnh cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn đang tiếp tục.
Tuy vậy, trong một tuyên bố được đưa ra ngày 27-1, Bộ Tài chính Mỹ cho biết ba công ty kể trên đã giảm đáng kể cổ phần của Deripaska và cắt đứt sự kiểm soát quá lớn của ông này.
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, hành động này đảm bảo rằng hầu hết những người đứng đầu trong hội đồng của En+ và Rusal sẽ là những người độc lập, bao gồm cả những giám đốc từ châu Âu hay Mỹ, những người không có mối liên hệ về làm ăn, nghề nghiệp hoặc gia đình với Deripaska hoặc bất kỳ những người nào đang bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt.
“Các công ty này đã đồng ý với sự minh bạch chưa từng có mà Bộ Tài chính Mỹ tiến hành đối với các hoạt động của họ, thông qua các hoạt động kiểm toán, chứng nhận sâu rộng đang được tiến hành”. Bản thân doanh nhân Deripaska vẫn đang là đối tượng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nhiều quan chức trong chính quyền của ông Trump, và nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối việc giữ lại lệnh trừng phạt cho biết họ lo lắng về tác động của các lệnh trừng phạt này đối với ngành công nghiệp nhôm toàn cầu. Họ cũng khẳng định rằng việc Deripaska quyết định hạ cổ phần của mình trong các công ty xuống để không còn nắm quyền kiểm soát hoàn toàn cho thấy các lệnh trừng phạt đã phát huy tác dụng.
Rusal là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới không phải của Trung Quốc. Những lệnh trừng phạt đối với công ty này đã khiến nhu cầu về kim loại của Trung Quốc sản xuất tăng vọt. Xuất khẩu nhôm của Trung Quốc đã nhảy vọt lên mức kỷ lục trong năm 2018.