Ông Donald Trump để ngỏ khả năng dỡ bỏ trừng phạt Nga

Chủ Nhật, 15/01/2017, 11:36
Hôm 14-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng làm việc với Nga nhưng sẽ duy trì một số biện pháp trừng phạt Nga của chính quyền Tổng thống Barack Obama, song cũng có thể sẽ dỡ bỏ chúng. Ông cho rằng “nếu Nga thực sự giúp đỡ chúng ta thì tại sao lại phải đưa ra các trừng phạt?”.

Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, ông Trump bóng gió rằng, các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, do chính quyền Tổng thống Barack Obama áp đặt hồi cuối tháng 12-2016 nhằm đáp trả các cuộc tấn công mạng được cho là do Moscow tiến hành, sẽ vẫn còn “hiệu lực ít nhất một thời gian” nhưng sau đó có thể được dỡ bỏ nếu Moscow chứng tỏ họ sẽ giúp ích trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và đạt được các mục tiêu quan trọng khác đối với Washington.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Ông nêu rõ: “Nếu chúng ta hòa hợp (với Moscow) và nếu Nga thực sự đang giúp chúng ta, thì tại sao phải trừng phạt khi ai đó đang làm một số điều thực sự tuyệt vời” và khẳng định sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời điểm thích hợp sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1 tới. Vấn đề này cũng đã được đề cập tới trong cuộc điện đàm ngày 28-12-2016 giữa người sắp đảm nhiệm vai trò cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump, ông Michael Flynn và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.

Tuyên bố mới nhất của ông Trump đã phần nào xóa bỏ những sóng gió mới trong mối quan hệ Nga – Mỹ. Gần đây nhất, trong một động thái được cho là càng khoét sâu thêm những căng thẳng trong quan hệ hai nước, truyền thông Mỹ đã cáo buộc Nga thu thập tài liệu gây tổn hại thanh danh các chính khách Mỹ trong đó có Tổng thống đắc cử Trump và bà Hillary Clinton.

Cụ thể, truyền thông Mỹ đã công bố một tài liệu dài 35 trang chưa được xác minh, trong đó cáo buộc Nga có thể chi phối ông Trump bằng những thông tin nhạy cảm, tuy nhiên hai bên đã có sự “dàn xếp”. Chưa hết, tài liệu còn viết rằng, Moscow có được các thông tin bất lợi của cả 2 ứng viên Tổng thống Mỹ, nhưng chỉ công bố những gì không có lợi cho bà Clinton.

Tuy nhiên, phía Nga đã ngay lập tức bác bỏ những tin đồn này. Người phát ngôn Điện Kemlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, những thông tin mà truyền thông Mỹ đưa ra hoàn toàn nhảm nhí và đó là “tin vịt”, đồng thời khẳng định: “Điện Kremlin không nắm giữ thông tin gì gây tổn hại cho ông Trump. Cáo buộc này không đúng sự thật và hoàn toàn là bịa đặt”.  Moscow cho rằng, đây là thông tin nhằm phá hoại quan hệ với Mỹ nói chung và Tổng thống đắc cử Trump nói riêng.

Ông Peskov cũng bác bỏ thông tin cho rằng, ban lãnh đạo Nga có tài liệu bôi nhọ bà Clinton: “Điện Kremlin không tham gia hoạt động thu thập thông tin gây tổn hại cho người khác”. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Putin mong muốn xây dựng quan hệ với các đối tác nước ngoài trên cơ sở lợi ích của Nga và nhân dân Nga cũng như vì hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn thế giới. Còn về phía Mỹ, Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh “tất cả những tin tức đó là giả mạo” và khẳng định “không có chuyện đó”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 13-1 (giờ địa phương), Tổng thống Obama đã gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vốn được ban hành hồi tháng 3-2014 vì tình hình tại Crimea và Ukraine.

Lý giải cho quyết định này, ông Obama cho biết: “Hành động và chính sách của các cá nhân làm suy yếu tiến trình và cơ cấu dân chủ ở Ukraine; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này; góp phần biển thủ chiếm đoạt nhiều tài sản; các hành động và chính sách của Chính phủ Nga, bao gồm dự định thôn tính Crimea và sử dụng lực lượng ở Ukraine”.

Quyết định này của ông Obama một lần nữa cho thấy sự khác biệt trái nghịch trong quan điểm, chính sách cũng như lối sống giữa vị Tổng thống sắp mãn nhiệm này và người kế nhiệm của ông. Tuy nhiên ông Obama khẳng định giữa hai người vẫn có ít nhất một điểm chung: “sự tự tin”.

Vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ miêu tả người kế nhiệm là “một người không thiếu sự tự tin. Điều này có lẽ là một điều kiện tiên quyết cho công việc này. Hoặc ít nhất là bạn phải có đủ sự điên rồ để nghĩ rằng bạn có thể làm công việc này”. Tuy nhiên, ông lại lưu ý rằng sự tự tin đó có thể gây tổn hại tới khả năng đưa ra quyết định của ông Trump.

Quốc hội Mỹ thông qua biện pháp bắt đầu “khai tử” Obamacare

Hôm 13-1 (giờ Mỹ), với 227 phiếu thuận và 198 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí ra chỉ thị yêu cầu các ủy ban soạn thảo và phải trình một dự luật trước ngày 27-1 nhằm bãi bỏ chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ, thường được biết đến với tên gọi Obamacare, bất chấp những quan ngại rằng chưa có một phương án thay thế hợp lý và nguy cơ tốn kém tài chính liên quan khi triển khai kế hoạch này.

Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua biện pháp tương tự. Quyết định vừa thông qua ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ không cần sự phê chuẩn của Tổng thống vì nó là một phần trong chu trình ngân sách nội bộ của quốc hội. Tuy nhiên, dự luật bãi bỏ Obamacare mới chỉ là dự thảo, do vậy nó cần được cả hai viện Quốc hội thông qua và Tổng thống ký ban hành.

Các chuyên gia y tế và giới quan sát cảnh báo, với việc hơn 20 triệu người Mỹ đang được bảo hiểm y tế giá rẻ nhờ Obamacare, việc hủy bỏ chương trình này sẽ dẫn tới việc các công ty bảo hiểm rút khỏi thị trường và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội rất lớn.

Minh Nhật (tổng hợp)



Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.