Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Tư, 09/05/2018, 06:15
Rạng sáng 9-5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt, một động thái được cho là không quá bất ngờ những có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, Reuters đưa tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh Reuters 

Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm làm suy yếu tiềm lực của nước này. 

Nói về thỏa thuận này, ông Trump đã nhấn mạnh đây là "một thỏa thuận một chiều tồi tệ mà đáng nhẽ ra không nên được tiến hành".

Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn được biết đến là JCPOA, được ký kết bởi Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015, để đổi lại sự nới lỏng cấm vận từ các nước phương Tây và Mỹ thì Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân tên lửa của mình.

Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định nói trên của Tổng thống Trump.

Ngay từ quá trình tranh cử, ông Trump đã thể hiện rõ lập trường phản đối thỏa thuận được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama này. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump nhiều lần gọi thỏa thuận là văn kiện "nguy hiểm", không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. 

Quyết định rút khỏi JCPOA được cho là động thái tự cô lập của Mỹ đối với các đồng minh phương Tây như Anh, Pháp và Đức – những nước coi thỏa thuận này là công cụ cần thiết nhằm kiềm chế nguy cơ Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. 

Hơn nữa, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên Nhóm P5+1 vốn ủng hộ văn kiện này.  

Những lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể cản trở việc xuất khẩu dầu của Iran trong khi nước này là thành viên lớn thứ 3 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và cung cấp 4% lượng dầu cho thế giới mỗi ngày, tương đương 3,8 triệu thùng, theo Reuters. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, những nước công xưởng hàng đầu thế giới và châu Á nhập khoảng hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran.

Ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran sẽ nhằm vào các ngành như tài chính, chế tạo ô tô và năng lượng, cũng như sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, giá dầu thế giới đã bắt đầu có biến động, vốn dĩ giảm 4% vào đầu phiên giao dịch ngày 8-5.

Iran cũng tuyên bố hôm 8-5 rằng nước này sẽ vẫn duy trì thỏa thuận dù có Mỹ hay không. 

Duy Tiến
.
.
.