Mỹ ra "tối hậu thư" cho Iran

Thứ Ba, 22/05/2018, 01:20

Ngày 21-5, Mỹ đã đưa ra hàng loạt yêu cầu đối với Iran, bao gồm việc từ bỏ chương trình hạt nhân và rút chân khỏi cuộc chiến tại Syria, nếu không muốn đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ.

Mỹ đưa ra 12 "yêu sách" đối với Iran. Ảnh minh họa: Reuters

Iran sẽ phải đấu tranh để “cứu vãn nền kinh tế” nếu như nước này không tuân thủ một danh sách gồm 12 điều yêu cầu của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ngày 21-5.

Trong số 12 “yêu cầu cơ bản” được Ngoại trưởng Mỹ đưa ra cho Iran có việc rút khỏi Syria, “trả tự do cho các công dân Mỹ”, ngừng hỗ trọ cho phiến quân Houthi ở Yemen và ngừng làm giàu Urani.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh thêm rằng Mỹ sẽ áp đặc “những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất chưa từng thấy” nếu Iran không tuân thủ những yêu cầu trên.

“Nhờ có nỗ lực của Bộ Tài chính Mỹ, những biện pháp trừng phạt trên sẽ có tác dụng trở lại và nhữn lệnh trừng phạt mới sẽ tiếp tục được đưa ra. Những biện pháp này sẽ trở thành những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử,” Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.

Mỹ cũng sẽ “để mắt đến các doanh nghiệp của Iran ở nước ngoài cũng như những mạng lưới của Hezbollah có liên quan hoạt động ở khắp mọi nơi trên thế,” ông Pompeo nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chiến lược mới này của Mỹ được cho là nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Iran chứ không hẳn là trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến.

Trong khi đó, phía Iran đã bác bỏ “tối hậu thư” này của Washington, đồng thời, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Iran cho biết nước này thấy rằng Mỹ đang tìm kiếm một “sự thay đổi chế độ” ở Iran.

Vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, bất chấp sự can ngăn của các nước đồng minh EU, chính quyền của ông Trump đã đe dọa áp đặt “những lệnh trừng phạp mạnh nhất chưa từng có” và tuyên bố sẽ “nghiền nát” các doanh nghiệp của Iran ở nước ngoài, đặt Washington và Tehran vào tình thế đối nghịch mới, nghiêm trọng hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã mô tả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này như là một bài học “kinh nghiệm lịch sử” đối với Iran, nói thêm rằng “với việc rút khỏi thỏa thuận này, Mỹ đã chính thức làm giảm trọng lượng của cam kết của mình đối với một hiệp ước quốc tế”.

Phía Iran cũng đang hy vọng các nước EU sẽ vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận này, đồng thời kêu gọi các nước này hỗ trợ mạnh mẽ hơn Iran trước những lệnh cấm vận mới của Mỹ.

RT dẫn lời Tổng thống Iran cho biết, chính quyền Mỹ đang cố gắng quay ngược lại thời kỳ "Bush con" của 15 năm về trước và cố gắng áp đặt những suy nghĩ của mình lên thế giới.

Tổng thống Iran nhấn mạnh: "Thế giới đương thời không chấp nhận việc Mỹ quyết định thay cho thế giới bởi các quốc gia hiện nay đều độc lập. Chúng tôi sẽ bước tiếp trên con đường mình đã chọn."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran đã nhận định tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện một "bước lùi" về ngoại giao, đồng thời khẳng định Iran và các đối tác vẫn đang nỗ lực đàm phán về thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà không có Mỹ.


Duy Tiến
.
.
.