Mỹ công bố báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018
- Nga chế tạo siêu ngư lôi hạt nhân bơi xuyên biển
- Mỹ bất ngờ muốn mở rộng kho vũ khí hạt nhân để "dằn mặt" Nga
- Lầu năm góc muốn tăng sức mạnh vũ khí hạt nhân?
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai.
Khẳng định Mỹ hiện đang phải đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, NPR nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Washington đối với CHDCND Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và Iran.
Báo cáo trên cảnh báo, các nỗ lực của CHDCND Triều Tiên nhằm mục đích đạt được năng lực hạt nhân là mối đe dọa cấp bách đối với an ninh quốc tế và ổn định, xuất phát từ quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đối với Nga, NPR khẳng định, việc Moscow hiện đại hóa tiềm năng hạt nhân là minh chứng cho thấy nước này đang tìm cách khôi phục lại vị thế siêu cường của mình: “Nga hiện đang hiện đại hóa những loại vũ khí này (vũ khí hạt nhân - PV), cũng như các hệ thống chiến lược khác. Điều gây quan ngại hơn nữa là việc áp dụng chiến lược quân sự của Nga dự trù đạt tới thành công nhờ mở rộng khả năng hạt nhân”.
Bộ ba hạt nhân của Mỹ. |
Bên cạnh đó, Washington cáo buộc Moscow đã “đe dọa sẽ là bên đầu tiên sử dụng đòn tấn công hạt nhân hạn chế, bởi họ cho rằng, việc đó có thể làm tê liệt Mỹ và NATO, để từ đó chấm dứt các cuộc xung đột với những điều kiện tiên quyết do Nga đưa ra.
NPR nhấn mạnh: “Chiến lược của Mỹ sẽ giúp Nga nhận ra rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân, dù chỉ là hạn chế, là điều không thể được chấp nhận. Nó không chỉ không giúp Nga đạt được mục đích, mà còn làm thay đổi bản chất của những cuộc xung đột và gây phí tổn cao cho Moscow”.
Trong trường hợp Trung Quốc, báo cáo trên khẳng định, Washington cũng có những bất an về Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân, nhưng ở một mức độ thấp hơn.
NPR nhận định: “Trung Quốc cũng đang nâng cấp và mở rộng lực lượng hạt nhân đáng kể. Giống như Nga, Trung Quốc đang sản xuất những loại vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới, được chế tạo nhằm đạt tới mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực an ninh quốc gia, cũng như xúc tiến hiện đại hóa các loại vũ khí thông thường, gây ra những thách thức đối với ưu thế quân sự truyền thống của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương”.
Cũng theo NPR, Iran và chương trình hạt nhân của nước này tiếp tục gây lo ngại cho Mỹ. “Iran vẫn đang liên tục rót kinh phí vào chương trình tên lửa lớn nhất ở Trung Đông, và trong tương lai, họ có thể đe dọa bằng cả vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, Tehran cũng đang phát triển tiềm lực quân sự phi hạt nhân khác nữa. Chưa hết, Iran cũng có thể tiếp tục đầu tư vào vũ khí hóa học và sinh học”, tài liệu trên nhận định. NPR cũng lưu ý rằng, còn nhiều hạn chế trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran, được Tehran và Nhóm P5+1 ký kết hồi tháng 7-2015 và sẽ hết hiệu lực vào năm 2031.
NPR đồng thời chỉ ra rằng: “Iran coi sự ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông như là mối đe dọa chính. Mục tiêu của Tehran là củng cố và tăng cường vai trò chủ đạo của mình trong khu vực. Iran dự định gia tăng ảnh hưởng với các nước láng giềng và chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Mục tiêu này trực tiếp đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ”.
Trong bản báo cáo, Mỹ tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe. NPR đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton.
Báo cáo lập luận rằng, Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn mà hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn như một lựa chọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân.
Cũng theo NPR, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hệ thống bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm các vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không, được triển khai rộng rãi hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, cho đến khi có các chương trình thay thế khác.
Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 đánh dấu một sự thay đổi lớn từ quan điểm về tương lai chương trình nguyên tử của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vốn kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân.
Giới chức Lầu Năm Góc cho biết chiến lược này được công bố nhằm đáp trả những quan ngại của Nga gần đây cho rằng vũ khí hạt nhân Mỹ là "quá lớn" làm hạn chế khả năng răn đe, và việc sử dụng những vũ khí này có thể dẫn đến sự trả đũa quy mô lớn, đe dọa an toàn thế giới.