Mỹ “cô đơn” trong vấn đề hạt nhân Iran

Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:05
Pháp, Đức, Anh hôm 21/8 đều nói rằng sẽ không ủng hộ yêu cầu của Mỹ đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran với cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này cùng nhóm P5+1 ký năm 2015. Washington ngay lập tức bày tỏ thái độ thất vọng về thái độ của các đồng minh châu Âu trên.


Sự cô đơn của Mỹ

Trong tuyên bố của mình, Pháp, Đức, Anh cho rằng Mỹ không có quyền hợp pháp để kích hoạt cái gọi là “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt trừng phạt Iran vì Washington đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018. Nga cũng có động thái tương tự khi Bộ Ngoại giao nước này cùng ngày ra tuyên bố về “các hành động bất hợp pháp” của Mỹ khôi phục các biện pháp trừng phạt vốn đã được dỡ bỏ đối với Iran, trong đó nhấn mạnh Mỹ tiếp tục các bước đi “nguy hiểm” tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ với hy vọng hiện thực hóa các kế hoạch chống Iran của riêng mình. 

Tuyên bố nêu rõ tất cả những điều này xảy ra sau khi chính quyền Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). 
Mỹ gây sức ép để LHQ tái áp đặt trừng phạt đối với Iran. Ảnh: Reuters

Tuyên bố khẳng định: “Mỹ đã tự loại mình khỏi tư cách thành viên JCPOA và do đó tự tước bỏ các quyền và cơ hội sử dụng các cơ chế được quy định trong thỏa thuận cũng như Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ”. Nga kêu gọi Mỹ lựa chọn đưa ra các quyết định hợp lý, không tự tước đi cơ hội đạt được các thỏa thuận với Iran. 

Mỹ quyết định tiến hành bước đi trên sau khi HĐBA LHQ không thông qua dự thảo nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp ngày 14/8 vừa qua. Lệnh cấm vận này sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Nguyên nhân mà Mỹ đưa ra để quyết định khởi động “quy trình đảo ngược” là Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận JCPOA. 

Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này, hay còn gọi là cơ chế “snapback”. 

Nói một cách cụ thể, cơ chế này sẽ cho phép Mỹ đơn phương buộc LHQ khôi phục trở lại tất cả các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Iran trước khi có thỏa thuận hạt nhân 2015. Nếu cơ chế “snapback” được kích hoạt, đó sẽ là điểm khởi đầu của một cuộc tranh cãi kéo dài, và cuối cùng có thể sẽ làm suy yếu vai trò của LHQ với tư cách là một định chế. 

Đằng sau động thái này của Mỹ, một số người hiểu rằng điều Tổng thống Donald Trump muốn là khiến Mỹ không thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, trong trường hợp ông không tái đắc cử trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020”.

Sau khi đề xuất kéo dài các lệnh trừng phạt với Iran tại LHQ của Mỹ bị thất bại, với một cuộc bỏ phiếu mà trong đó chỉ có 2 phiếu ủng hộ (một phiếu của Mỹ), Tổng thống Iran Hassan Rouhani không giấu nổi sự hân hoan của mình khi tuyên bố Mỹ đã thất bại trong nỗ lực tiêu diệt cái mà ông gọi là thỏa thuận “chỉ có nửa hiệu lực” với các cường quốc, vốn trao cho Iran một sự nới lỏng trừng phạt để đổi lấy sự hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. 

Ông nói: “Âm mưu của Mỹ đã thất bại một cách ê chề. Ngày này sẽ đi vào lịch sử của Iran và lịch sử của cuộc chiến chống lại thái độ ngạo mạn trên toàn cầu”. Ngoại trưởng Iran Abbas Mousavi thì viết trên rằng: “Trong lịch sử 75 năm của LHQ, Mỹ chưa bao giờ cô đơn đến thế”. Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ cũng viết trên Twitter: “Kết quả này một lần nữa cho thấy chủ nghĩa đơn phương không được ủng hộ, và sự ức hiếp sẽ bị thất bại”.

Và tình thế khó xử của châu Âu

Các đồng minh châu Âu của Mỹ, những nước đã từng cùng với Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận với Iran, đã bày tỏ sự ủng hộ việc kéo dài thời hạn của lệnh cấm vận vũ khí thông thường, cho rằng nếu nó hết hạn thì sự ổn định ở Trung Đông sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, ưu tiên của họ vẫn là duy trì JCPOA. 

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết Anh, Pháp và Đức nhất trí với mục tiêu của Mỹ là duy trì lệnh cấm vận, nhưng cần phải đạt được sự đồng thuận với Nga và Trung Quốc. Các quan chức giấu tên này cho biết châu Âu đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp nhưng Mỹ, Nga và Trung Quốc không thể hiện thiện chí thỏa hiệp với nhau. Châu Âu cho biết chính quyền Mỹ muốn chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran trước cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 3/11 tới, cho thấy sức ép mà Mỹ đang cố gắng vượt qua không cho phép họ có thời gian để đàm phán. 

Các đồng minh châu Âu của Mỹ lo ngại Washington vẫn sẽ thúc đẩy các lệnh trừng phạt, trong đó các chuyên gia cho rằng việc sử dụng cơ chế “snapback” đe dọa nhấn chìm HĐBA vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất. 

Bên cạnh đó, điều mà các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại lớn hơn là việc không tuân theo của họ sẽ có tác động thế nào đến tương lai của LHQ khi chỉ còn vài tuần nữa là tổ chức này kỷ niệm 75 năm thành lập. Nếu các thành viên trong HĐBA từ chối tôn trọng các nghị quyết mà chính họ soạn ra, trong đó có điều khoản chuyền lùi, vị thế của LHQ sẽ bị phá hủy nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, nếu châu Âu đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, LHQ sẽ bị hạn chế khả năng thúc đẩy các nghị quyết trong tương lai bởi Nga và Trung Quốc sẽ cảm thấy không hài lòng cũng như sẽ không ký kết một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận hạt nhân Iran lần nữa. 

Phía châu Âu cho biết, thậm chí nếu Mỹ có quyền lợi hợp pháp để kích hoạt điều khoản chuyền lùi vốn đang gây tranh cãi thì Washington cũng đã vi phạm tinh thần của thỏa thuận ban đầu bởi điều khoản này được đưa ra nhằm trừng phạt Iran chỉ khi nước này vi phạm thỏa thuận.

Bất chấp quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định, Washington vẫn có quyền lợi hợp pháp để thực hiện điều khoản chuyền lùi bởi Mỹ vẫn có tên trong nghị quyết đã soạn thành thỏa thuận, điều vốn chưa bao giờ được sửa đổi. Phía châu Âu vẫn đang tranh luận về tính hợp pháp của Mỹ nhưng không có tòa án hay tổ chức nào khác có đủ thẩm quyền để quyết định vấn đề này. Cuối cùng, câu hỏi về việc liệu có nên đi theo Mỹ hay không cũng trở thành một quyết định mang tính chính trị với các thành viên của HĐBA. 

Ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ cảnh báo rằng, chính quyền Tổng thống Trump đang đùa với lửa trong những quyết định liên quan đến Iran. Những người ủng hộ quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump thì nhận định, châu Âu cần nhìn xa hơn và vượt khỏi tâm lý không hài lòng với Tổng thống Donald Trump, nhất là khi nhiều nước khu vực này thừa nhận về mối đe dọa từ phía Iran.

Khổng Hà
.
.
.