Mỹ cam kết cùng các nước Đông Nam Á bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông

Thứ Sáu, 15/01/2021, 07:45
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích chủ quyền hợp pháp của họ ở Biển Đông.

Lời khẳng định trên được Ngoại trưởng Pompeo nhắc đến trong một thông cáo báo chí ngày 14/1 (giờ Mỹ) mang tên "Bảo vệ và gìn giữ một Biển Đông tự do và rộng mở", được Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải toàn văn trên trang web chính thức.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: CNN

"Mỹ và mọi quốc gia tuân thủ luật pháp có chung lợi ích sâu sắc trong việc giữ gìn một Biển Đông tự do và cởi mở", ông Pompeo nhấn mạnh trong phần mở đầu của thông điệp.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, tất cả các nước, dù có sức mạnh quân sự và kinh tế ra sao, cũng đều xứng đáng hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, như đã được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS), mà không sợ bị ức hiếp.

Ông Pompeo cho hay, Washington gần đây đang thực thi một loạt hành động bổ sung để bảo vệ các quyền tự do ở Biển Đông, trong đó Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc, bao gồm lãnh đạo các công ty và quan chức chịu trách nhiệm hoặc liên quan đến việc cải tạo quy mô lớn, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.

Các cá nhân có liên quan đến các hành động ức hiếp của Trung Quốc nhằm ngăn các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền hợp pháp tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, cũng sẽ bị hạn chế cấp thị thực đi lại tới Mỹ. "Các thành viên trong gia đình (của những người bị hạn chế thị thực-PV) cũng có thể phải tuân theo những hạn chế về thị thực này", thông cáo nêu.

Ngoại trưởng Pompeo cũng nhắc đến việc Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế vì cho rằng CNOOC có vai trò trong chiến dịch của Trung Quốc hòng cưỡng chế các nước ven Biển Đông tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí trị giá ước tính 2.500 tỷ USD.

Trong thông điệp của mình, ông Pompeo một lần nữa đề cập đến phán quyết vào năm 2016 của Tòa trọng tài (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, trong đó tòa đã bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ cho hay, Washington thống nhất quan điểm với các quyết định của tòa PCA và bác bỏ các yêu sách hàng hải trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh việc một loạt các quốc gia đã chính thức lên tiếng phản đối các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.

"Mỹ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách (chủ quyền ở Biển Đông-PV) đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh chấm dứt các hành vi cưỡng chế ở Biển Đông", ông Pompeo tuyên bố.

Trước phát ngôn của ông, nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đã có nhiều tuyên bố lên án hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Gần đây, hồi tháng 12/2020, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller đã khẳng định cam kết của Washington duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, đồng thời chỉ trích hành vi sai trái trên biển của Trung Quốc.

Thiện Minh
.
.
.